Vien Nghien Cuu Cong Nghe Sinh hoc va Moi Truong - DH Nong Lam TP.HCM, RESEARCH INSTITUTE FOR BIOTECHNOLOGY AND ENVIRONMENT- NONG LAM University

Ký sự Organic - Kỳ 7: Nỗi ám ảnh GMO và chất độc da cam

 

(TNO) Đề cập đến thực phẩm Organic không thể không nhắc tới chuyện thời sự xung quanh các giống cây trồng biến đổi gen (genetically modified crops - GMC) nói riêng, hay sinh vật biến đổi gen (genetically modified organisms - GMO) nói chung.


Người biểu tình đổ xuống các đường phố Los Angeles (Mỹ) ngày 25.5.2013 hưởng ứng chiến dịch toàn cầu lên án Monsanto và thực phẩm biến đổi gen - Ảnh: AFP

Ngày 3.6.2013, báo điện tử của Chính phủ Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đồng loạt đưa tin “Hàng loạt nước biểu tình phản đối thực phẩm biến đổi gen”, nêu sự kiện hơn 2 triệu người tại 436 thành phố thuộc 52 quốc gia trên thế giới từ Mỹ, Canada đến các nước Nam Mỹ và nhiều nước châu Âu rầm rộ xuống đường chống đối tập đoàn công nghệ sinh học Monsanto, cả hai trang tin này của Chính phủ Việt Nam đều nhận định: “Đây được coi là làn sóng biểu tình mạnh mẽ nhất đối với sản phẩm biến đổi gien - vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe”.
Trước đó và sau đó, trên khắp thế giới đã và đang diễn ra những hoạt động kiên trì và quyết liệt của các nhà khoa học, các nhà bảo vệ môi trường và người tiêu dùng phản đối GMO.
Tôi muốn nhấn mạnh một bản tin đã cũ trên đây để thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhà ta đã vội vã như thế nào khi ngày 11.8 năm nay chính thức phê duyệt 4 giống ngô biến đổi gen “đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi”, trong đó có 2 giống ngô Bt 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, còn 2 giống ngô MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, chính là của Monsanto. Các giống ngô này sắp tới sẽ được chính thức trồng một cách hợp pháp.
Tôi không đề cập đến các cuộc tranh cãi xung quanh thực phẩm GMO mà thế giới đang tốn rất nhiều hơi sức và giấy mực mà kết quả là chỉ có 27 nước cho phép áp dụng nhưng do những quy định tự do thương mại của WTO nên chúng được bán tràn lan trên thế giới. Tôi cũng không đề cập đến những phát biểu “khoa học” kiểu như “chúng ta đã dùng sản phẩm cây trồng biến đổi gen hàng chục năm nay mà chưa ai nhức đầu đau bụng cả” của ông Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Lê Huy Hàm, hay “người ta sợ ma vì chưa bao giờ thấy ma” của một bề trên cao hơn mà báo chí đã đăng tải.
Việc ăn các sản phẩm GMO có nguy hại cho sức khỏe hay không tôi cũng không “nói leo” theo người khác, vì khoa học dù dùng để ủng hộ hay để phản đối GMO cũng đều có giới hạn. Điều tôi muốn lưu ý là cái “con ma” GMO không thể nói là không thấy:
Thứ nhất, những hạt giống GMC của Monsanto đều có đăng ký độc quyền, tất cả các hạt giống đó đều vô sinh, tức là thu hoạch xong muốn trồng lại nhất định phải tiếp tục mua hạt giống của Monsanto, nghĩa là người nông dân và đất nước của người nông dân đó bị cột chặt vào Monsanto, điều đó nhiều người đều biết, ai chưa biết rồi cũng sẽ biết. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó.
Nếu như những cây trồng bằng giống của Monsanto phát tán phấn ra xung quanh khiến cho những cây trồng khác bị nhiễm gen cây của Monsanto, thì theo phán quyết của Tối cao pháp viện Mỹ, cây đó là sở hữu của Monsanto, mà phán quyết của Tối cao pháp viện Mỹ thì có giá trị gần như là Hiến pháp. Khi ấy, người có vườn cây bị nhiễm giống đó sẽ bị quy vào tội ăn trộm giống, dù anh ta hoàn toàn không hay biết. Điều này không phải là giả định mà là thực tế đã diễn ra ở Mỹ.
Trong những năm 1998-2000, Monsanto đã phát đơn kiện 9.000 nông dân Mỹ “ăn căp” giống bắp, đậu nành, bông cải… của Monsanto, các nông dân này hoàn toàn không hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng vẫn bị tòa án buộc phải bồi thường cho Monsanto và phải hủy toàn bộ cây cối của họ, sau đó họ buộc phải dùng giống của Monsanto, nếu không muốn ra tòa thêm một lần nữa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biết chuyện này không? Chắc chắn là biết, vì thông tin này có đủ trên báo chí Mỹ và cũng đã được bà Lê Thị Phi Vân, một chuyên gia của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, từng nêu trong một bài viết. Chuyện này có thể xảy ra ở Việt Nam không? Chắc chắn là có thể, vì Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với Mỹ và tham gia đầy đủ các điều ước quốc tế về thương mại. Trước mắt họ chưa làm ngay, nhưng trong tương lai họ có thể sẽ “thịt” khi con mồi đủ lớn.
Thứ hai, nông dân ký hợp đồng mua giống GMC của Monsanto thì đồng thời cũng buộc phải mua thuốc diệt cỏ Roundup của họ. Đây là thuốc diệt cỏ cực mạnh, một hóa chất mà nhiều tài liệu cho rằng mạnh tương đương như chất diệt cỏ màu da cam được rải trong chiến tranh Việt Nam, chỉ có giống của Monsanto mới “kháng” được thứ thuốc diệt cỏ này. Điều đó có nghĩa là, trên đất trồng giống GMC của Monsanto, không có thứ cây cỏ nào có thể sống được, cây trồng GMC của Monsanto mở rộng tới đâu cây cối bản địa bị tiêu diệt tới đó, muốn phục hồi không phải là chuyện dễ.
Chỉ với 2 sự thật đó thôi cũng đủ để thấy chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, không phải tương lai xa mà tương lai gần, khi các giống cây GMC của Monsanto được trồng trong cả nước, lần lượt hết bắp tới đậu tương.
Các quan chức của chúng ta thường nói “đi tắt, đón đầu”, nhưng lại “đón đầu” cái thứ mà phần lớn thế giới đều muốn tránh xa. Chưa nói đến môi trường và sức khỏe, chỉ nói riêng về kinh tế thôi, các thị trường lớn như Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản chắc chắn là không cần đến thực phẩm GMO của ta, họ đang khao khát thực phẩm Organic và nhu cầu thực phẩm Organic của họ ngày càng tăng mạnh. Ở trong nước, người tiêu dùng sợ hãi GMO đến mức một số doanh nghiệp không dùng GMO buộc phải ghi chữ “không dùng GMO” trên sản phẩm của họ, trong khi lẽ ra chỉ có sản phẩm GMO mới phải công khai danh tánh. Nông dân ta sẽ bán sản phẩm GMO cho ai? Cho gia súc ăn thôi ư? Tới đây các nước lại sẽ buộc các sản phẩm thịt, cá dùng thức ăn GMO để chăn nuôi phải công khai danh tánh thì sao? Chẳng lẽ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại nhược tiểu đến mức mặc định dù có ăn GMO hay không thì bò heo gà vịt của chúng ta vạn năm nữa cũng không thể xuất khẩu được?
Nông nghiệp Organic trong một môi trường canh tác đầy rẫy thuốc trừ sâu diệt cỏ hiện nay một vài hộ khó mà làm nổi, nhưng nếu như có một chiến lược quốc gia bố trí lại vùng, định lại các chính sách thì hoàn toàn có thể làm được. Cuba trong điều kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ và cấm vận vẫn bị duy trì, đã tự cứu mình bằng chính sự ưu việt của nông nghiệp Organic.
Còn tại Nga, theo trang tin rt.com, đầu năm nay Chính phủ nước này tỏ thái độ một cách dứt khoát, rằng nước Nga không có lý do gì để khuyến khích sản xuất hay nhập khẩu các sản phẩm GMO. Thủ tướng Dmitry Medvedev nói: “Nếu người Mỹ thích GMO, họ cứ ăn nó. Chúng tôi thì không. Chúng tôi có đủ đất đai và khả năng để sản xuất thực phẩm hữu cơ”. Có lẽ gì mà nước Nga lại lạc hậu hơn nước ta?
Với việc phổ cập các thứ GMC này, nó tỏa ra tới đâu thì nông nghiệp Organic của ta có mống nào lụi tàn tới đó. Đến lúc bức bách muốn làm lại thì không còn cơ hội.
Và tôi bỗng nghĩ đến chất độc da cam đã hủy diệt đất nước này, 40 - 50 năm vẫn còn di chứng trên người trên đất, không biết bao giờ mới khắc phục được, các nạn nhân khốn khổ của chúng ta vẫn đang đi kiện trong vô vọng. Thủ phạm của thứ chất độc này chính là Monsanto mà nước ta đang rước về, để “đón đầu thành tựu của nhân loại”, về pháp lý thì không có chỗ nào vi phạm, về đạo lý “xóa bỏ quá khứ hướng tới tương lai” cũng không có lý do bắt bẻ, nhưng nghĩ vẫn thấy rợn người… (Xem thêm: Vết nhơ môi trường của Monsanto) (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân

Số lần xem trang: 2160
Điều chỉnh lần cuối:

Đọc báo

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng làm quyền hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM (11-01-2021)

Hai nhà khoa học nhận Nobel Hóa học nhờ công nghệ chỉnh sửa gene (09-10-2020)

Nguồn gốc cây dược liệu quý-cây Sâm Ngọc Linh (27-07-2020)

Đi tìm nguồn gốc người Việt qua việc phân tích hệ gen (15-06-2020)

Bác sĩ trắng đêm xét nghiệm nCoV (08-05-2020)

Xin lỗi, công ty chúng tôi không tuyển người có bằng đại học đào tạo từ xa (22-10-2019)

Quản lý sinh viên kiểu… tiểu học (13-10-2019)

Hóa ra con người cũng có khả năng tái sinh cơ thể, nhưng bây giờ các nhà khoa học mới phát hiện ra (13-10-2019)

Toàn cầu hóa tác động đến chuyển dịch lao động trong cộng đồng ASEAN (11-10-2019)

Tìm “long mạch” cho các startup công nghệ Việt (05-09-2019)

Xem thêm ...

Trang liên kết

Toà nhà Viện CNSH & MT

Chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17025:2005 của Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường

Con dấu ISO/IEC 17025:2005

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bốn ba bốn tám bốn

Xem trả lời của bạn !