Ngày 25/11/2011, được sự cho phép của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. HCM, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Công nghệ Sinh học toàn quốc – khu vực phía Nam lần II năm 2011 tại TP. HCM. Tại hội nghị này, Viện Nghiên Cứu Công Nghệ Sinh học và Môi trường đã tham dự với 2 poster, 1 poster thuộc tiểu ban Sinh học Phân tử Thực vật và 1 poster thuộc tiểu ban Công nghệ Vi sinh.
Tiểu ban Sinh học Phân tử Thực vật
THIẾT LẬP QUY RÌNH TÁI SINH CÂY IN VITRO VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU CHUYỂN NẠP GEN VÀO CÂY DẦU MÈ (Jatropha curcas L.) THÔNG QUA Agrobacterium tumefaciens
Võ Thị Thúy Huệ 1, Mã Yến Thanh 2
1 Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường;
2 Bộ môn Công nghệ Sinh học, ĐHNL TP. HCM
Tóm tắt
Cây Jatropha curcas được chọn là một trong các phương án nhiên liệu thay thế quan trọng nhất cho con người – nhiên liệu diesel sinh học. Nghiên cứu thiết lập quy trình tái sinh cây in vitro và chuyển nạp gen vào cây (Jatropha curcas L.) thông qua Agrobacterium tumefaciens nhằm tạo tiền đề cho các nghiên cứu chuyển nạp gen giúp cải thiện năng suất, tăng sản lượng dầu trong hạt và tăng tính chống chịu của cây Jatropha curcas L. Tỷ lệ tái sinh chồi của mẫu lá mầm cao nhất được ghi nhận trên môi trường MS bổ sung BA 1,5 mg/l kết hợp với IBA 0,05 mg/l đạt 70%. Hệ số nhân chồi cao nhất ở nghiệm thức bổ sung GA3 nồng độ 0,1 mg/l (8,91 chồi/ mẫu). Các chồi khỏe mạnh được đem tạo rễ trên môi trường ½ MS bổ sung IBA 0,5 mg/l, tỷ lệ hình thành rễ đạt 75% (sau 3 tuần). Chủng vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens EHA101plB-GUS mang plasmid pGII0229 (gồm các gen bar kháng thuốc diệt cỏ, gen ntpII kháng kanamycin và gen chỉ thị gusA) đã được sử dụng để lây nhiễm vào cây J. curcas. Bước đầu ghi nhận kết quả biểu hiện của gen gusA được chuyển vào genome của cây cho thấy: hiệu quả chuyển gen đạt 40% ở phôi và 66,67% ở lá mầm khi ủ trong dịch khuẩn thời gian là 30 phút, đồng nuôi cấy trong 4 ngày.
Download poster tại: Poster_1.pdf
Tiểu ban Công nghệ Vi sinh
NGHIÊN CỨU QUY TRÌNH SẢN XUẤT PHÂN HỮU CƠ VI SINH TỪ NGUYÊN LIỆU CỎ DẠI
Trần Văn Phụng 1, Nguyễn Minh Quang 2, Trương Phước Thiên Hoàng2
1 Bộ môn Công nghệ Sinh học;
2 Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, ĐHNL TP. HCM
Tóm tắt
Theo quy định luật bảo vệ môi trường của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, cỏ dại được xếp vào nhóm chất thải rắn thông thường nhưng nếu không có biện pháp xử lý, tái sử dụng hợp lý thì sẽ trở thành nguồn chất thải rắn nguy hại. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá mức phân hóa học đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với đất đai. Nhằm tận thu một cách có hiệu quả nguồn “cỏ thải” ra sau khi cắt, đồng thời làm sạch môi trường, đáp ứng cho nhu cầu phân bón cho cây trồng, tạo một nền nông nghiệp sạch và an toàn. Chúng tôi tiến hành xây dựng quy trình ủ compost để tái chế nguồn “cỏ thải” tạo thành sản phẩm phân compost.
Chúng tôi tiến hành khảo sát ủ compost cỏ với 4 loại chế phẩm sinh học NOLASUB, NOLATRI, BIO-F, BIOFERT_M ở phạm vi phòng thí nghiệm. Đánh giá hiệu quả bốn loại chế phẩm trong suốt quá trình ủ compost, chúng tôi chọn chế phẩm NOLASUB làm chế phẩm bổ sung tối ưu và tiến hành thử nghiệm ở quy mô khối lượng lớn hơn tại Tổng khoa, nhằm đánh giá lựa chọn nghiệm thức phù hợp nhất để áp dụng lâu dài.
Kết quả thiết lập được quy trình tái sử dụng cỏ sau khi cắt để tạo thành phân compost. Sản phẩm phân compost sau khi phối trộn với một số phụ gia và một số vi sinh vật có ích cho cây trồng, tạo sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh BIO-RP với thành phần:
- Chất hữu cơ 13,97%
- N:P:K 1,75: 1,71: 1,02
- VSV phân giải cellulose 1,5 x 106 (CFU/g)
- VSV cố định đạm 2 x 106 (CFU/g)
- VSV phân giải lân 1 x 106 (CFU/g)
Tiến hành đánh giá hiệu lực phân BIO-RP trên cây cải bẹ xanh, cho thấy phân BIO-RP có hiệu quả tốt hơn so với phân bò (phân hữu cơ truyền thống)
Download poster tại: Poster_2.pdf
Số lần xem trang: 3584
Điều chỉnh lần cuối: 03-04-2012