Vien Nghien Cuu Cong Nghe Sinh hoc va Moi Truong - DH Nong Lam TP.HCM, RESEARCH INSTITUTE FOR BIOTECHNOLOGY AND ENVIRONMENT- NONG LAM University

Vật vờ nghiên cứu khoa học

Nhiều năm qua, mỗi năm nhà nước chi 2% ngân sách (khoảng 13.000 tỉ đồng) cho nghiên cứu khoa học -  tỷ lệ này không thấp so với một số quốc gia có nền khoa học phát triển. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nghiên cứu khoa học của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư đó.

Yếu và thiếu

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Trường ĐH New South Wales (Úc), dựa trên bảng xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO) Việt Nam đứng hạng 76 trên 141 nước về khả năng sáng tạo và cách tân. Thứ hạng của Malaysia là 65, Thái Lan là 57, và Singapore 3. Theo báo cáo của UNESCO giai đoạn 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam đăng ký được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế, có năm không có bằng sáng chế nào.

Các chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước trong vùng. Cũng theo báo cáo của UNESCO năm 2011, Việt Nam đứng hạng 106 trên 145 về kinh tế tri thức. So với năm 1995, thứ hạng của Việt Nam tăng 14 bậc. Song so với các nước tương đương trong vùng, kinh tế tri thức của Việt Nam thấp nhất (Indonesia hạng 103, Philippines hạng 89, Thái Lan 63, Malaysia 48 và Singapore hạng 19). Việt Nam thậm chí còn ở thứ hạng thấp hơn cả Fiji (hạng 86). Đấy là chưa kể chúng ta chưa có ĐH nào nằm trong danh sách ĐH hàng đầu thế giới. Trong khi, riêng khối ASEAN, 11 trường thuộc 5 nước: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore có tên trong danh sách “Top 400”.

 Vật vờ nghiên cứu khoa học
 Giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM trong giờ nghiên cứu khoa học - Ảnh: Hà Ánh

Tính trên việc nguyên cứu khoa học (NCKH) ở tầm quốc gia, các đề tài còn rất thiếu. Báo cáo của Bộ Khoa học - Công nghệ cho thấy tuy ngân sách nhà nước dành 2% tổng chi cho NCKH nhưng tiền luôn nằm trong kho bạc và thường không sử dụng được hết nên đành phải trả lại.

Giảng viên thờ ơ

NCKH là nhiệm vụ bắt buộc của giảng viên. Tuy nhiên, công việc này của giảng viên hiện đang ở mức báo động.

 

 
 

Trong số khoảng 600 giảng viên cơ hữu của trường mỗi năm có khoảng 2/3 giảng viên tham gia hoạt động nguyên cứu khoa học và đáp ứng định mức thời gian theo quy định

 

Tiến sĩ Ung Thị Minh Lệ
Phó trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

 

Theo số liệu tổng hợp từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong số 512 giảng viên của trường thì chỉ có 173 người đạt định mức lao động NCKH. Điều đáng nói, trong số 339 giảng viên không đạt định mức thì có tới 306 người số giờ nghiên cứu khoa học bằng 0, tức không tham gia hoạt động nghiên cứu nào.

PGS-TS Phạm Đình Nghiệm, Trưởng phòng Quản lý khoa học - dự án Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Việc nghiên cứu khoa học trong giảng viên hiện nay chưa đều, với giảng viên là giáo sư, phó giáo sư thì năm nào cũng có công trình. Ngược lại, cũng có nhiều giảng viên chưa dành thời gian cho NCKH”. Tiến sĩ Ung Thị Minh Lệ, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho hay: “Trong số khoảng 600 giảng viên cơ hữu của trường mỗi năm có khoảng 2/3 giảng viên tham gia hoạt động NCKH và đáp ứng định mức thời gian theo quy định”. GS-TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, khẳng định: “Hiện tại trường chỉ có khoảng 5% trong tổng số giảng viên thực sự dành thời gian cho NCKH và mang lại những hiệu quả cụ thể”. 

Chạy theo phong trào

Chính vì thực trạng này mà theo báo cáo của Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ GD-ĐT qua số liệu từ 40 trường ĐH trong cả nước tính đến cuối năm 2009, tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động KHCN trong tổng nguồn tài chính của các trường là 3,92%. So với Nghị quyết của Chính phủ mới chỉ bằng 26% mục tiêu đề ra. Trong nguồn thu này, các trường thuộc khối kỹ thuật công nghệ chiếm tới 77,28%, tiếp đến là khối các ĐH, còn các khối khác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, đặc biệt khối trường kinh tế chưa có nguồn thu từ hoạt động triển khai, chuyển giao công nghệ và bán sản phẩm. Đối với các trường ĐH địa phương, ngoài doanh thu từ hoạt động triển khai và chuyển giao kết quả nghiên cứu bằng không, đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước của các trường này cũng bằng không.

Một tổng hợp khác từ báo cáo của 34 trường ĐH giai đoạn 2006 - 2009 cho thấy, các trường chỉ có 248 đề tài cấp nhà nước; 1.823 đề tài cấp bộ; 5.505 đề tài cấp trường. Nghĩa là trong một năm, trung bình một trường chỉ thực hiện được khoảng 2 đề tài cấp nhà nước, 17 đề tài cấp bộ và 54 đề tài cấp trường. Đó là chưa kể trong số này còn có nhiều đề tài “cắt dán”, thiếu tầm vóc. Hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TP.HCM, từng là giám khảo nhiều cuộc thi có liên quan đến NCKH, thẳng thắn: “Hiện nay rất nhiều trường ĐH tuyên bố đẩy mạnh NCKH. Tuy nhiên, rất nhiều trường trong số đó chỉ làm theo phong trào, chạy theo số lượng chứ không hẳn là chất lượng”.

Khan hiếm bài báo khoa học quốc tế

Bài báo được đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế có thể nói là kết quả cao nhất trong các hoạt động NCKH của giảng viên. Tuy nhiên, phần lớn các trường không có vinh dự này.

Được xem là một trong những ĐH mạnh về NCKH thế nhưng, trong năm 2011 cả ĐH Quốc gia TP.HCM có 773 bài được đăng trên các tạp chí và kỷ yếu, trong đó chỉ có 173 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế với 142 bài thuộc danh sách ISI (Viện Thông tin khoa học). Trong đó, chưa có bài nào về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nằm trong danh sách ISI. Trường ĐH Quốc tế có tỷ lệ cao nhất trong hệ thống các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM với số bài báo khoa học quốc tế/tiến sĩ năm 2011 là 0,77. Mỗi năm, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có trung bình khoảng 13 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.

Tại hội thảo khoa học quốc tế diễn ra tại TP.HCM cuối năm 2011, GS-TS Nguyễn Văn Tuấn, nhận xét: “Một điều rất nghịch lý ở Việt Nam là các nghiên cứu về khoa học xã hội hiện diện trên các tạp chí trong nước rất nhiều nhưng lại xuất hiện rất ít trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ví dụ, năm 2004 có tới 8.408 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí và kỷ yếu trong nước thì có đến 4.345 bài về khoa học xã hội. Trong đó chưa tới 10 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Thống kê giai đoạn 1996 - 2005 cho thấy, trong tổng số 3.456 bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tạp chí quốc tế chỉ có 69 bài (chiếm khoảng 2%) liên quan đến khoa học xã hội”.

 

Tách rời giảng dạy và nghiên cứu

Tại hội nghị “Giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập quốc tế” (diễn ra ngày 9.11, tại ĐH Quốc gia TPHCM), các đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến những thách thức lớn đối với sự phát triển của khoa học - công nghệ là sự tách rời giữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu. Hiện nay có đến 71 viện nghiên cứu được phép đào tạo bậc thạc sĩ và cấp bằng tiến sĩ trực thuộc chính phủ và các bộ ngành khác nhau nhưng lại không có dính dáng gì với các trường ĐH.

Gần đây, nhà nước kêu gọi sự gắn kết hơn nữa giữa các trường ĐH và viện nghiên cứu nhưng do chưa có hành lang pháp lý phù hợp cũng như chưa có cơ chế khuyến khích nên việc hợp tác này cũng chỉ mới dừng lại ở việc trao đổi cán bộ thỉnh giảng. Một số ý kiến đề xuất sáp nhập các viện nghiên cứu vào các trường ĐH để nâng cao năng lực và tận dụng nguồn lực hiện có nhưng việc này không thể thực hiện được vì vấp phải sự phản ứng gay gắt của các viện. Theo GS Martin Hayden (người Úc), lãnh đạo nhóm tư vấn quốc tế cho Bộ GD-ĐT Việt Nam, tác động của việc thiếu mối gắn kết mạnh mẽ giữa giảng dạy với nghiên cứu dẫn đến kết quả hoạt động NCKH của Việt Nam nghèo nàn so với các nước trong vùng.

 Đ.N

Đăng Nguyên - Hà Ánh

Số lần xem trang: 2418
Điều chỉnh lần cuối:

Đọc báo

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng làm quyền hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM (11-01-2021)

Hai nhà khoa học nhận Nobel Hóa học nhờ công nghệ chỉnh sửa gene (09-10-2020)

Nguồn gốc cây dược liệu quý-cây Sâm Ngọc Linh (27-07-2020)

Đi tìm nguồn gốc người Việt qua việc phân tích hệ gen (15-06-2020)

Bác sĩ trắng đêm xét nghiệm nCoV (08-05-2020)

Xin lỗi, công ty chúng tôi không tuyển người có bằng đại học đào tạo từ xa (22-10-2019)

Quản lý sinh viên kiểu… tiểu học (13-10-2019)

Hóa ra con người cũng có khả năng tái sinh cơ thể, nhưng bây giờ các nhà khoa học mới phát hiện ra (13-10-2019)

Toàn cầu hóa tác động đến chuyển dịch lao động trong cộng đồng ASEAN (11-10-2019)

Tìm “long mạch” cho các startup công nghệ Việt (05-09-2019)

Xem thêm ...

Trang liên kết

Toà nhà Viện CNSH & MT

Chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17025:2005 của Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường

Con dấu ISO/IEC 17025:2005

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : tám hai bốn bốn bảy

Xem trả lời của bạn !

logolink