Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 2: Nhiều tiến sĩ, ít phát minh
05/12/2012 3:15Hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế.
Công trình chuẩn khoa học trong nước cũng rất hiếm
Số giáo sư, TS chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước gần 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng số lượng của một trường ĐH ở Thái Lan |
||
PGS-TS PHẠM BÍCH SAN |
||
Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), hiện nay cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.
PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: “Số giáo sư, TS chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước gần 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng số lượng của một trường ĐH ở Thái Lan”.
Thống kê của Bộ KH-CN và các chuyên gia cho thấy trong 5 năm (2006 - 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 bằng sáng chế.
Tại buổi đóng góp ý kiến cho luật KH-CN sửa đổi vào tháng 10 năm nay tại Hà Nội, TS San nhấn mạnh: “Chúng ta gần như không có ai có nghiệp khoa học, tức là những người lao động quên mình trong khoa học và được ghi nhận bằng các giải thưởng khoa học quốc tế tầm cỡ”. PGS-TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó chủ tịch VUSTA, cũng cho rằng: “Ngay các công trình chuẩn khoa học của nước nhà cũng rất ít. Việt Nam chưa bao giờ thống kê được có bao nhiêu đề tài khoa học được nghiên cứu, bao nhiêu phần trăm đề tài đó được ứng dụng trong cuộc sống. Người làm đề tài ít để ý cái mình làm có bị trùng hay không. Thậm chí, người đi sau làm trùng đề tài lại được đánh giá tốt hơn…”.
|
Đề tài cũ hơn thế giới vài chục năm
Trong một diễn đàn hiến kế cho KH-CN vào tháng 10.2005, PGS-TS Đặng Xuân Thi, Viện Nghiên cứu cơ khí, cho rằng: “Tuyệt đại nội dung các đề tài mà chúng ta tiến hành nghiên cứu là ứng dụng những thành tựu của thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những vấn đề mà chúng ta chọn làm mục tiêu nghiên cứu đối với thế giới thường là quá cũ, có khi cũ đến hai, ba hoặc cũng có thể tới bốn chục năm. Tên đề tài thường chung chung, không có giới hạn cụ thể. Tỷ lệ kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất có lẽ chỉ khoảng vài ba phần trăm. Đề cương nghiên cứu của đề tài thường “rộng”, nhiều nội dung nhưng kết quả đạt được thì quá khiêm tốn, lặp đi lặp lại, bảo vệ đạt “xuất sắc” nhưng không để làm gì ngoài việc nộp cho Bộ KH-CN và gấp bỏ tủ!”.
Tại hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới hoạt động KH-CN vào tháng 1.2010 tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, PGS-TS Đào Duy Huân, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, thẳng thắn nhận xét: “Các kết quả nghiên cứu của các đề tài khối ngành kinh tế đạt loại giỏi, loại xuất sắc không có tính triển khai ứng dụng, nên không được các doanh nghiệp mua, thậm chí không được đăng tải trên các tạp chí khoa học. Hầu hết các đề tài nghiệm thu xong bỏ vào tủ lưu giữ trong phòng quản lý khoa học dùng làm chứng từ thanh toán, tính điểm công trình để ứng cử vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư. Điều này gây lãng phí lớn hàng chục tỉ đồng cho ngân sách nhà nước”.
Lãng phí đầu tư Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết: “Chúng ta hình dung trong 2% ngân sách nhà nước (khoảng 13.000 tỉ đồng) chi cho KH-CN, thì 90% trong số này dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Tức nguồn này chủ yếu để nuôi sống bộ máy các cơ quan nghiên cứu của nhà nước (hơn 60.000 người làm nghiên cứu khoa học và 1.600 tổ chức KH-CN từ trung ương đến địa phương) và đầu tư trang thiết bị... Trong khi phần dành cho hoạt động nghiên cứu chỉ 10% thôi (của 13.000 tỉ đồng) và chi cho tất cả các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ đến cấp tỉnh, cấp cơ sở...”. Ông Quân nhấn mạnh: “Kinh phí nói trên dàn trải. Nguồn ngân sách thì ít trong khi số người và số tổ chức rất lớn. Chính vì thế không có điều kiện tập trung đầu tư cho một sản phẩm nào cho đến khi trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia được”. |
Trường ĐH không đóng góp nhiều cho nghiên cứu khoa học Nước ta hiện có hơn 400 trường ĐH, CĐ với hơn 7.000 TS. Với số lượng này, giáo dục ĐH là nơi cung cấp một lực lượng lớn cán bộ trình độ cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH-CN thì một bộ phận không nhỏ nhân lực trình độ cao không trực tiếp làm nghiên cứu và phát triển, nhất là các GS, PGS và giảng viên trong các trường ĐH. Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng: "Việt Nam đang rất lãng phí nguồn lực chất xám ở các trường ĐH”. Là nơi tập trung rất đông nguồn nhân lực trình độ cao với nhiều GS, PGS, TS nhưng các trường ĐH hiện nay gần như không đóng góp nhiều cho kết quả nghiên cứu khoa học của đất nước, trong khi các trường ĐH trên thế giới lại là nơi sản sinh ra các giải Nobel, sáng chế... Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi giảng viên ĐH ngoài việc đảm bảo 900 giờ giảng dạy phải có 500 giờ dành cho nghiên cứu khoa học/năm. Đối với GS, PGS và giảng viên chính thì số giờ dành cho nghiên cứu khoa học từ 600 - 700 giờ/năm. Tuy nhiên, hiện nay đa số giảng viên các trường ĐH chỉ đào tạo mà không nghiên cứu khoa học. Các trường ĐH không có biên chế làm khoa học chuyên nghiệp. Việc nghiên cứu chỉ được coi là hoạt động làm thêm của cán bộ giảng dạy. |
Vũ Thơ
Số lần xem trang: 2407
Điều chỉnh lần cuối: 10-12-2012