Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 4: Phải chấm dứt cơ chế xin - cho
07/12/2012 0:00Tình trạng yếu kém của nền khoa học và công nghệ nước nhà là vấn đề ai cũng thấy và gây nhiều bức xúc. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, dự thảo luật Khoa học và công nghệ đã được đưa ra bàn thảo sửa đổi, trước đó giới khoa học cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn để đưa ra các giải pháp khắc phục.
|
Chỉ cấp kinh phí cho đơn vị làm ăn hiệu quả
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng vướng mắc lớn nhất, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) hiện nay chính là cơ chế tài chính. Ông Vẻ đề nghị: “Nhà nước cần rà soát, đánh giá lại một số trung tâm, cơ quan nghiên cứu và chỉ có thể cấp kinh phí nhà nước cho các cơ quan nghiên cứu, làm ăn hiệu quả”.
|
Thực tiễn cho thấy, việc cấp kinh phí cho một số cơ quan nghiên cứu theo đề tài đăng ký như hiện nay đã và đang tạo ra rất nhiều công trình không sát thực tiễn, sau khi nghiệm thu chỉ lưu trữ trong tủ hồ sơ. ĐBQH Trần Du Lịch (TP.HCM) nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần thay đổi hoàn toàn phương thức nhà nước "bao cấp" cho KH-CN, chuyển sang phương thức tài trợ ngân sách nhà nước mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện”.
Để tránh lãng phí tiền bạc và chất xám trong nghiên cứu khoa học, nhiều ý kiến cho rằng phải gắn kết với thị trường. ĐBQH Đỗ Văn Vẻ cho rằng nhà nước cần có chính sách để hoạt động này gắn với doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh, các tổ chức về KH-CN hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp và được tự chủ về kinh phí hoạt động. ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thì nhấn mạnh đến giải pháp đặt hàng các nhà khoa học. Ông Tiến nói: “Bộ KH-CN, các bộ, ngành, các tỉnh có thể đặt đề tài với các nhà khoa học và các tổ chức khoa học, đồng thời tiếp nhận đề xuất, tuyển chọn những đề tài đề xuất từ dưới lên. Cần giảm bớt thủ tục hành chính trong đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn đề tài”.
Tại diễn đàn góp ý cho dự luật KH-CN diễn ra tháng 10.2012, tiến sĩ Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, mạnh mẽ đề xuất: “Cần khoán gọn và trả tiền theo kết quả đánh giá. Hiệu quả công việc phải đo bằng kết quả. Còn đánh giá công nghệ thì phải để cho đăng ký bằng phát minh và thị trường làm việc. Công nghệ mà không bán được thì công nghệ đó có để làm gì?”. Tiến sĩ Đào Trọng Hưng, chuyên viên cao cấp Viện KH-CN Việt Nam, cũng cho rằng: “Khi có sự can thiệp của thị trường sẽ hạn chế chuyện “xin - cho”, nhà nước - doanh nghiệp - cá nhân khi đó đều phải đặt hàng nếu muốn có các nghiên cứu khoa học. Như thế, nguồn nuôi khoa học sẽ không hoàn toàn lấy từ ngân sách mà được thu hút từ bên ngoài như các doanh nghiệp, các tổ chức và nguồn vốn nước ngoài”.
Gắn nghiên cứu và đào tạo
|
ĐBQH Phùng Đức Tiến đề xuất giải pháp gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo. Ông cho rằng: “Cần có sự phân bổ lại nguồn lực, sắp xếp lại tổ chức để tạo sự ảnh hưởng đồng bộ của KH-CN trên phạm vi toàn quốc. Các trường ĐH có đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu nhưng không có điều kiện để tham gia nghiên cứu, trong khi đó các viện có đội ngũ chuyên gia rất giỏi, có cơ sở vật chất, có phòng thí nghiệm trọng điểm thì không được tham gia đào tạo. Do vậy, cần có cơ chế phối hợp, huy động tối đa các nguồn lực của cả viện, trường ĐH và nghiên cứu kết hợp với đào tạo.
Tiến sĩ Phạm Bích San thẳng thắn đề nghị: “Phải đưa các viện nghiên cứu cơ bản về lại các trường ĐH, các phòng thí nghiệm hay viện công nghệ về doanh nghiệp hoặc thành lập các doanh nghiệp khoa học vận hành theo cơ chế thị trường. Việc tách rời nghiên cứu và đào tạo như hiện nay sẽ khiến các viện thiếu sự tiếp xúc với sinh viên, nguồn cảm hứng và nguồn nhân lực có chất lượng cho nghiên cứu tương lai”.
Cơ cấu lại nguồn ngân sách
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, giải pháp để điều chỉnh những bất cập trong cơ chế tài chính là Bộ KH-CN phải được giao thẩm quyền đề xuất với Bộ Kế hoạch - Đầu tư phân bổ nguồn kinh phí đầu tư phát triển ở lĩnh vực này (chiếm 40% kinh phí). Cần phân bổ vào những nơi thật sự hiệu quả, tránh dàn trải. Bộ trưởng Quân nói: “Chúng tôi cũng đề xuất Bộ Tài chính phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học cho những tổ chức ăn nên làm ra, có hiệu quả và đầu tư cho những đề tài nghiên cứu đáp ứng được nhu cầu của sản xuất kinh doanh, của phát triển kinh tế - xã hội”. Đặc biệt, ông Quân cho rằng: “Dành cho KH-CN 2% tổng chi ngân sách hằng năm không phải là nguồn lực nhỏ. Thế nhưng, vẫn cứ phân bổ như hiện nay thì không giải quyết được vấn đề. Cần giao thẩm quyền cho Bộ KH-CN và chúng tôi dám chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ cơ cấu lại việc chi 2% này”.
Vũ Thơ
Số lần xem trang: 2411
Điều chỉnh lần cuối: