Vien Nghien Cuu Cong Nghe Sinh hoc va Moi Truong - DH Nong Lam TP.HCM, RESEARCH INSTITUTE FOR BIOTECHNOLOGY AND ENVIRONMENT- NONG LAM University
Học để làm gì?
12/11/2013 07:49 (GMT + 7)
 
TT - Nếu muốn cải cách giáo dục thật sự, trước hết cần làm rõ mục đích của việc học bằng cách trả lời câu hỏi: Học để làm gì?
TS Giáp Văn Dương tại hội thảo bàn về triết lý giáo dục - Ảnh: Đoàn Xuân Trường
 Con người là một động vật kỳ lạ khi phải dành đến hàng chục năm để đi học mới có thể lo cho cuộc sống của mình ở mức trung bình. Điều này hoàn toàn khác với các động vật khác khi hầu hết đều có thể tự lo cho cuộc sống của mình gần như ngay khi mới ra đời.
Suốt đời đi thi

"Con người tự do phải là đích đến của giáo dục"

Việc học không chỉ ngày nay mới có mà có truyền thống lâu đời từ rất xa xưa. Với VN, việc học trở thành một hoạt động chính quy của xã hội xuất hiện ít nhất đã gần 1.000 năm, nếu lấy mốc là khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng.
Vậy với người xưa: Học để làm gì?
Nhìn vào cách thức tổ chức học tập và thi cử có thể thấy rằng ngày xưa học là để làm quan. Mục đích chính của việc học là để ra ứng thí, nếu đỗ đạt thành ông nghè ông cử sẽ được bổ nhiệm làm quan. Nếu thi rớt chờ khóa sau thi lại. Chính vì thế mới có người suốt đời đi thi, hoặc cả bố cả con đều thi cùng một khóa.
Vì sao vậy? Vì đó là cách thức tiến thân và khẳng định mình nhanh nhất và duy nhất trong xã hội phong kiến với thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” được phân định rõ ràng. Đó là một đầu tư lớn, một khát vọng đổi đời cháy bỏng, nhiều khi vượt qua cả các nhu cầu sinh lý thông thường. Vì thế mới có chuyện “chàng chưa thi đỗ thì chưa động phòng”, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, “võng anh đi trước võng nàng theo sau”...
Chính mục đích học để làm quan này đã chi phối toàn bộ nội dung học tập, thi cử và phương pháp học tập đi kèm. Đơn cử có thể thấy do học để làm quan nên nội dung học chỉ để đi thi. Ngay cả với những người “sôi kinh nấu sử” trong suốt hàng chục năm thì nội dung cũng không vượt quá khỏi bộ Tứ thư, Ngũ kinh và một số kỹ năng thơ phú điển hình. Lý do thật đơn giản: đề thi chỉ xoay quanh các tài liệu và kỹ năng này.
Nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy trọng tâm xuyên suốt của việc học thời đó là học ứng xử, tất nhiên là giữa người với người, sao cho phù hợp với trật tự xã hội phong kiến. Chính vì thế mới có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ ở đây hiển nhiên là về phép tắc ứng xử, nhưng còn văn? Văn ở đây, tức phần nội dung, cũng phần nhiều là nội dung của ứng xử trong các tình huống cụ thể.
Khẩu hiệu này hiện vẫn còn phổ biến trong các trường học. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt trong ứng xử giữa người và người, lại càng làm cho khẩu hiệu này có thêm lý do tồn tại.
Không biết học để làm gì
Tính trung bình, một người trưởng thành có thể phải dành 10-20 năm để đi học và có thể việc này còn kéo dài đến hết cuộc đời. Đây hiển nhiên là một khoảng thời gian dài khổng lồ và là một đầu tư rất lớn, so với các sinh vật khác. Nhưng kỳ lạ thay, rất hiếm người tự hỏi “học để làm gì?” và tìm cách trả lời một cách đơn giản, rõ ràng câu hỏi quan trọng này.
Tháng 6 đến 8-2013, tôi có dịp khảo sát bằng cách hỏi trực tiếp các em học sinh từ cấp trung học cơ sở (khoảng 80 em) đến sinh viên đại học (khoảng 100 em), và một số phụ huynh nhân dịp con em họ thi đại học (100 phụ huynh), với câu hỏi “Học để làm gì?”, thì câu trả lời rơi vào các nhóm như sau:
* Không biết học để làm gì. Học vì bố mẹ bảo học. Học vì tất cả mọi người đều như vậy. Học vì không biết làm gì khác. Đây là trường hợp phổ biến với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, chiếm trên 80%, và một phần lớn trong sinh viên, khoảng 50%.
* Học để có công ăn việc làm. Học để kiếm tiền. Đây là câu trả lời phổ biến của sinh viên đại học, chiếm 40-50%, và một phần nhỏ của học sinh phổ thông trung học, khoảng 20-25%.
* Học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình. Đây là câu trả lời của phần lớn phụ huynh trong kỳ thi đại học vừa rồi, chiếm 80-90%.
* Học để mở mang hiểu biết. Đây là câu trả lời chung trong các nhóm khác nhau, chiếm 5-10%, tùy theo nhóm.
* Học để tự hoàn thiện mình. Đây là câu trả lời của một vài trường hợp cá biệt, tỉ lệ 2-4%, tùy theo nhóm.
Như vậy có thể thấy phần lớn các bậc phụ huynh đặt mục tiêu cho việc học của con để sau này có một công ăn việc làm tốt, kiếm được tiền lo cho bản thân và gia đình. Một số khác ít hơn cho rằng học để mở mang hiểu biết, có địa vị trong xã hội.
Với sinh viên thì mục tiêu học để kiếm tiền, có công ăn việc làm chiếm khoảng một nửa, còn lại là không có bất cứ mục tiêu nào.
Điều ngạc nhiên là trong số những người được hỏi, có đến hơn 95% cho biết họ chưa từng tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình.
Xét về logic thì đây là một sự bất hợp lý: vì một đầu tư lớn như vậy về thời gian và tiền bạc mà mục đích lại không rõ ràng. Đấy là với phạm vi của cá nhân và gia đình. Với hệ thống giáo dục liên hệ đến hàng chục triệu người, thì tính hướng đích của hệ thống cũng rất mờ nhạt. Tất cả đều quay cuồng dạy và học, đua nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi dừng lại tự hỏi: để làm gì?
Làm chủ cuộc đời
Học để làm gì thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục. Chính vì vậy, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, Ủy ban Giáo dục của UNESCO đã công bố một báo cáo có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”. Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).
Như vậy, UNESCO đã xây dựng bốn trụ cột cho việc học, và lấy đó làm định hướng cho giáo dục của thiên niên kỷ mới. Cái học để ứng xử của người xưa nay chỉ còn là một phần trong quan niệm của UNESCO: học để chung sống với người khác. Còn quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm phổ biến trong phụ huynh và sinh viên đại học hiện nay thì cũng chỉ nằm ở một góc khác: học để làm.
Hai trụ cột khác rất quan trọng: học để biết và để xác lập bản thân mình thì hiện ra rất mờ nhạt trong hệ thống giáo dục. Thậm chí, cái học để biết đã biến dạng thành học để thi, để chạy theo thành tích cho đẹp báo cáo lên cấp trên. Điều này dẫn đến một thực tế rất bi hài, nhưng lại là gam màu chủ đạo trong giáo dục hiện thời: học không biết để làm gì, hoặc học để thi nhưng thi rồi cũng không biết để làm gì. Tất cả quay cuồng trong một cơn học và dạy không mục đích, không khai sáng.
Trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” của UNESCO là một câu trả lời hay, nhưng không phải duy nhất. Trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục và trực tiếp trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác nhau (VN, Hàn Quốc, Áo, Anh, Singapore), tôi rút ra một điều rằng: học để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, và thông qua đó giúp họ làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa của đời sống mình mới là mục đích của việc học. Khi đã phát triển tốt nhất năng lực của bản thân mình, tìm thấy được ý nghĩa của đời sống mình thì tự động họ sẽ đóng góp cho xã hội như một hệ quả.
GIÁP VĂN DƯƠNG

Số lần xem trang: 2446
Điều chỉnh lần cuối: 13-11-2013

Đọc báo

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng làm quyền hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM (11-01-2021)

Hai nhà khoa học nhận Nobel Hóa học nhờ công nghệ chỉnh sửa gene (09-10-2020)

Nguồn gốc cây dược liệu quý-cây Sâm Ngọc Linh (27-07-2020)

Đi tìm nguồn gốc người Việt qua việc phân tích hệ gen (15-06-2020)

Bác sĩ trắng đêm xét nghiệm nCoV (08-05-2020)

Xin lỗi, công ty chúng tôi không tuyển người có bằng đại học đào tạo từ xa (22-10-2019)

Quản lý sinh viên kiểu… tiểu học (13-10-2019)

Hóa ra con người cũng có khả năng tái sinh cơ thể, nhưng bây giờ các nhà khoa học mới phát hiện ra (13-10-2019)

Toàn cầu hóa tác động đến chuyển dịch lao động trong cộng đồng ASEAN (11-10-2019)

Tìm “long mạch” cho các startup công nghệ Việt (05-09-2019)

Xem thêm ...

Trang liên kết

Toà nhà Viện CNSH & MT

Chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17025:2005 của Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường

Con dấu ISO/IEC 17025:2005

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : sáu hai sáu năm sáu

Xem trả lời của bạn !

logolink