Dùng Facebook mọi lúc có thể
12/11/2013 07:11 (GMT + 7)
TT - Nguyễn Phi Long - sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM - đã làm nghiên cứu khoa học về thói quen sử dụng Facebook trong giới trẻ. Đề tài này được chọn vào vòng chung kết giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2013 của Thành đoàn TP.HCM.
|
Kết quả khảo sát tháng 2-2013 trên 250 bạn trẻ là học sinh, sinh viên bốn trường THPT và một trường đại học ở TP.HCM của tác giả Nguyễn Phi Long - Ảnh: H.T.V.
|
Đề tài được thực hiện trong sáu tháng bằng việc khảo sát, phỏng vấn 250 học sinh, sinh viên (bốn trường THPT và một trường ĐH ở TP.HCM) trong độ tuổi 15-25. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi được hỏi: “Bạn có biết đến trang mạng Facebook không?”, 100% trả lời “có”. Và với câu hỏi: “Bạn có sử dụng Facebook không?”, có đến 92,4% số bạn trẻ được hỏi “có”.
Bồn chồn chờ “like”
"Mình như bị nghiện Facebook rồi, ngày nào cũng phải lên Facebook, ngủ dậy là lấy điện thoại vào Facebook liền"
N.V.V. (sinh viên năm 2)
"Hình như mình hơi hơi nghiện Facebook, chút xíu à. Ngày nào cũng muốn lên Facebook để xem thông tin, tin tức..."
N.H.L.V. (sinh viên năm 2)
(Trích từ phỏng vấn của tác giả đề tài trong quá trình nghiên cứu)
|
Thú vị nhất trong phần nghiên cứu của đề tài là phần liên quan đến việc bấm “like”. Tác giả nghiên cứu đã hỏi những người tham gia thông qua bảng hỏi: “Bạn sẽ bấm nút “like” (thích) cho những nội dung nào trên Facebook?”. Kết quả những nội dung được người trẻ “like” nhiều nhất là “những câu nói hay của bạn bè” chiếm 28,1%. Những nội dung được “like” khác có tỉ lệ thấp hơn một chút như những triết lý về cuộc sống, hình ảnh minh họa hài hước... với khoảng 20%.
Đáng chú ý, với câu hỏi: “Việc bạn làm sau khi đăng xuất Facebook”, có đến hơn 40% cho rằng thái độ của mình lúc đó là “thắc mắc không biết có ai bình luận hình ảnh, trạng thái của mình”. Bên cạnh đó, số bạn “suy nghĩ sáng mai sẽ viết gì trên “wall” (trang cá nhân của mình)” để có nhiều lượt like. Thậm chí một nửa số người được hỏi cho biết sau khi đăng xuất Facebook trên máy tính, các bạn... tiếp tục truy cập trên các thiết bị di động khác.
Tác giả đề tài cũng tìm hiểu “thái độ khi không truy cập vào Facebook” theo giới tính. Kết quả tổng thể cho thấy không có sự khác biệt giữa nam và nữ về cảm nhận khi không truy cập Facebook một lần trong ngày. Trong đó, khi không truy cập vào Facebook, có 16,9% bạn nam và 20,4% bạn nữ cảm thấy “bồn chồn không biết có ai bấm “like” hay bình luận gì trên trang của mình hay không”. Thấp hơn một chút, một số bạn cũng cảm thấy “khó chịu” khi không truy cập vào Facebook. Tỉ lệ này ở nam và nữ lần lượt là 13,5% và 10%.
Cũng liên quan đến trạng thái khi không “phây”, khoảng 70% bạn nam, nữ cảm thấy “bình thường, không truy cập cũng được và truy cập cũng được”.
Mỗi lần truy cập trên 60 phút
Về thời gian truy cập Facebook của giới trẻ, kết quả đề tài cho thấy có hơn một nửa (51,9%) bạn trẻ khi được hỏi cho biết mình vào “mọi lúc khi có thể”. Ngoài ra, những thời gian truy cập khác như buổi tối, những ngày cuối tuần, giải lao trong giờ học... có tỉ lệ thấp hơn lần lượt là 22,5%, 13,4% và 11,3%.
Giới trẻ thường truy cập Facebook mỗi lần trong bao lâu? Kết quả cho thấy hơn một nửa (51,1%) số người được hỏi trong cuộc khảo sát cho biết họ sử dụng thường trên 60 phút. Còn khoảng thời gian truy cập từ nửa giờ đến một giờ khoảng 30% và từ 5 phút đến 30 phút chiếm 16%.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy giới trẻ chọn trang mạng xã hội Facebook với ba mục đích chủ yếu như được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè (20,5%), đọc tin nhắn và trò chuyện với bạn bè (21,7%) và xem tin tức, hình ảnh, bình luận của bạn bè chiếm 25,5%.
Khi tham gia trang mạng này, bạn trẻ mong muốn “được kết bạn với nhiều người”, “được chia sẻ, tâm sự nỗi buồn”... Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân khác khiến giới trẻ tham gia mạng xã hội vì có nhiều bạn bè tham gia, cảm thấy được chia sẻ và dễ dàng giao lưu với nhau.
HÀ BÌNH
“Tìm kiếm bản thân mình”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tác giả Nguyễn Phi Long cho biết: “Tôi đọc được thông tin số lượng người trẻ Việt tham gia mạng xã hội Facebook tăng 200%. Khi ấy, tôi thắc mắc việc tham gia trang mạng này ảnh hưởng gì đến thái độ, cư xử, lối suy nghĩ của giới trẻ khi ra đời thực”.
Bạn rút ra điều gì từ nghiên cứu của mình? Long trả lời: “Tôi thấy bạn trẻ chơi Facebook chủ yếu để... tìm kiếm bản thân mình. Nhiều bạn muốn thể hiện cái tôi qua đó. Các bạn đưa lên những status, hình ảnh “hot” để mong được nhiều “like”, bình luận. Có bạn phải suy nghĩ nhiều đến việc đăng cái gì, thế nào cho hay để được ủng hộ. Nhiều bạn cũng hay vào trang của người nổi tiếng để xem trạng thái, phát ngôn của họ hằng ngày... Trên Facebook có nhiều điều mà tôi nghĩ nếu không định hướng cho giới trẻ, dần dần các bạn sẽ thay đổi trong cư xử theo hướng tiêu cực khi bước ra cuộc sống...”.
|
Số lần xem trang: 2429
Điều chỉnh lần cuối: 13-11-2013