“Làm giáo dục rất dễ kiếm lời nếu không có tâm”
TO - Đó là ý kiến của GS Phạm Phụ trong buổi tọa đàm “Lợi nhuận và phi lợi nhuận trong giáo dục” do báo Người Lao Động tổ chức vào sáng 4-9.
Phải tách rời quyền sở hữu và quyền quản trị, ngăn nhà đầu tư can thiệp vào trường để tránh tình trạng làm xùm ở các trường ĐH tư trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia cho rằng cần có “vách ngăn” giữa nhà đầu tư và nhà trường.
Pháp lý chưa rõ ràng
Lý giải những nguyên nhân dẫn đến lùm xùm ở nhiều trường ĐH tư thục trong thời gian vừa qua, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) cho rằng thời gian qua ở các trường có sự xung đột lợi ích.
"Lợi dụng giáo dục để có siêu lợi nhuận là điều cần phải loại bỏ. Làm giáo dục rất dễ kiếm lời nếu người quản lý không có tâm” GS Phạm Phụ |
Đó là những trường hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm của xã hội, người học ngày càng đông và tạo ra giá trị vật chất lớn. Khi đó, một nhóm lợi ích tìm cách khống chế giá trị đó hay chiếm lấy nó. Trong khi đó, ở các nước phát triển, hệ thống trường tư của họ rất phát triển và không có hiện tượng này. Đó là do họ có khung pháp lý rõ ràng để cho các loại hình trường phát triển.
“Điều đầu tiên là phải sửa luật chứ để thế này thì dù có góp ý gì đi chăng nữa thì bất ổn vẫn tiếp tục diễn ra” – ông Điện khẳng định.
Theo TS Nguyễn Ngọc Hải, Trường ĐH Nam Cần Thơ – không nên định kiến trường vì lợi nhuận là xấu. Ông Hải cho rằng nếu chúng ta có luật, nhà đầu tư dù tìm kiếm lợi ích nhưng vẫn giữ đạo đức trong quy chuẩn cho phép, sử dụng lợi nhuận đó để tái đầu tư thì rất đáng hoan nghênh. Vấn đề là chúng ta phải có hành lang pháp lý để rạch ròi mô hình trường vì lợi nhuận và phi lợi nhuận để tránh lùm xùm. Trường vì lợi nhuận không có lỗi tron gkhi nếu làm được trường phi lợi nhuận đúng nghĩa sẽ có giá trị vĩnh cửu.
Tương tự, TS Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á – cho rằng trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, không có trường nào sang hơn cái nào, trường nào tốt hơn bởi tất cả đều nhằm phục vụ cho xã hội. Trường nào có đóng góp cho xã hội đều tốt, không phân biệt đó là trường theo mô hình nào.
Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu khác cho rằng, cơ sở pháp lý hiện nay chưa cho phép xây dựng một trường ĐH phi lợi nhuận đúng nghĩa – không có chủ sở hữu, không có cổ đông, không chia lợi nhuận.
Theo GS Phạm Phụ, tư duy lợi nhuận trong giáo dục là điều xấu, đó là quan điểm sai lầm. “Tuy nhiên, lợi dụng giáo dục để có siêu lợi nhuận là điều cần phải loại bỏ. Làm giáo dục rất dễ kiếm lời nếu người quản lý không có tâm” – GS Phụ chia sẻ thêm.
Ông Nguyên Ngọc – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh – bày tỏ lo lắng: trong điều kiện hiện nay, khi hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh thì những lùm xùm, trang giành lợi ích ở các trường sẽ tiếp tục xảy ra và có nguy cơ đổ vỡ hàng loạt.
Tách rời quyền sở hữu và quyền quản trị
Chính vì pháp lý chưa rõ ràng cho từng mô hình trường mà hiện nay, tình trạng tranh giành lợi ích và mâu thuẫn giữa nhà đầu tư với các nhà sáng lập trường, bộ máy quản lý ngày càng sâu sắc. Theo các chuyên gia, ngoài việc phải xây dựng hành lang pháp lý với với điều kiện cụ thể với từng mô hình trường, chính sách đối với việc cho tặng… cần phải tách rời quyền sở hữu và quyền quản trị.
Thực tế hiện nay, ai có nhiều tiền, người đó có chân trong hội đồng quản trị, làm chủ tịch hội động quản trị và từ đó chi phối toàn bộ hoạt động cũng như định hướng của trường.
“Thậm chí hiệu trưởng muốn mua sắm cái gì cũng phải chờ hội đồng quản trị gật đầu đồng ý” – GS Võ Tòng Xuân – chia sẻ.
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, ở Việt Nam, hội đồng quản trị là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu, nhà đầu tư nên từ đó họ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận nhiều hơn.
Để giải quyết vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện đưa ra mô hình đầu tư vào trường ĐH tư thục mà các nước tiên tiến đã áp dụng: đầu tư giám tiếp qua một quỹ giáo dục trung gian, nhà đầu tư không đầu tư trực tiếp thành lập trường. Quỹ này có hội đồng làm trung gian giữa nhà đầu tư và ban lãnh đạo nhà trường. Một mặt đảm bào quyền lợi nhà đầu tư, mặt khác sẽ ngăn nhà đầu tư can thiệp quá sâu vào hoạt động của trường. Ở VN không có bức tường này nên khi trường có lợi nhuận, nhà đầu tư vươn tay vào can thiệp và kết quả dẫn đến xung đột lợi ích.
Cùng quan điểm này, GS Phạm Phụ kkiến nghị cần phải tách rời quyền sở hữu và quyền quản trị. Ở VN, ai góp tiền nhiều là chủ tịch hội đồng quản trị, có tiếng nói quyết định, can thiệp vào mọi hoạt động của trường. Cần phải có hội đồng trung gian làm công tác quản trị để tách rời hai quyền này. Hơn nữa, càn phải tách bạch: hội đồng quản trị là công tác quản trị, hiệu trưởng làm công tác quản lý không nên có sự chồng chéo và can thiệp sâu của hội đồng quản trị như hiện nay.
Tương tự, ông Nguyên Ngọc cho rằng, cần phải có quy định cụ thể để ngăn việc chủ đầu tư can thiệp vào trường nếu không sẽ xảy ra tình trạng đổ vỡ ở nhiều trường. Cần phải có vách ngăn giữa nhà đầu tư và trường và đây là hướng lành mạnh hóa giáo dục.
Ông Dương Tấn Diệp – Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM – lập luận rằng: ở Mỹ, 30% trường ĐH tốt nhất là trường phi lợi nhuận, còn lại là trường công và trường vì lợi nhuận. Cả hai loại trường đều tốt. Lợi nhuận là thước đo hiệu quả hoạt động của một trường, vấn đề là trường sử dụng phần lợi nhuận đó như thế nào. Phải có hành lang pháp lý để phát huy ưu điểm và hạn chế nhược điểm của mỗi loại hình trường. Chính vì pháp lý trường ngoài công lập chưa chặt chẽ nên mới xảy ra xung đột bên trong. |
MINH GIẢNG
Số lần xem trang: 2428
Điều chỉnh lần cuối: