Vườn ươm doanh nghiệp trong trường đại học: Tự bơi! | ||
Thứ hai, 27/02/2012, 10:28 (GMT+7) Báo Sài Gòn GIải phóng Online |
||
Vườn ươm doanh nghiệp trong các trường đại học ra đời với mục đích hỗ trợ và phát triển các ý tưởng kinh doanh của sinh viên và giảng viên trẻ. Khởi động từ năm 2006, chính thức đi vào thực tế từ gần hai năm nay, bước đầu, các vườn ươm doanh nghiệp đã ươm tạo được nhiều doanh nghiệp trẻ và thương mại hóa nhiều sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp trong các vườn ươm doanh nghiệp, các hoạt động hỗ trợ ươm tạo vẫn chưa phát huy được nhiều hiệu quả.
Ra đời vào khoảng cuối năm 2009, đầu năm 2010, Công ty TNHH Công nghệ Nông lâm là một trong 5 doanh nghiệp được vườn ươm doanh nghiệp Đại học Nông Lâm TPHCM tuyển chọn nhằm hỗ trợ thương mại các sản phẩm về thức ăn chăn nuôi và chế phẩm sinh học. Vừa kiêm nhiệm công tác giảng dạy tại trường, vừa dành thời gian điều hành công ty, nữ giám đốc trẻ Trương Phước Thiên Hoàng gần như có rất ít thời gian rảnh rỗi cho bản thân. Chị Thiên Hoàng chia sẻ: “Xuất thân là nhà giáo, nhà khoa học, giờ chuyển sang làm kinh tế, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ ban quản lý vườn ươm, đến nay công ty đã dần đi vào ổn định. Công ty đã có văn phòng riêng, tiến hành thương mại hóa được 8 sản phẩm trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp. Hai năm qua, công ty chủ yếu đem những đề tài đã nghiên cứu pilot thành công của bản thân và các thầy cô thuộc Viện công nghệ sinh học và môi trường ra sản xuất, kết hợp nhà khoa học - nhà sản xuất - nhà nông, giúp tăng năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm trong sản xuất, trồng trọt”. Dù chưa kiểm kê doanh số kinh doanh trong gần hai năm qua nhưng theo chị Hoàng, phần lãi từ kinh doanh đủ sức duy trì công ty và sắm sửa thêm các thiết bị nghiên cứu. Công ty iNext Technology ra đời vào khoảng đầu năm 2010 dựa trên ý tưởng của một giảng viên trẻ Ngành Điện tử - viễn thông, thuộc lứa đầu tiên của vườn ươm doanh nghiệp Trường Đại học Bách Khoa TPHCM. Đây là công ty chuyên về cung cấp các phần mềm và gói giải pháp quản lý trong lĩnh vực bệnh viện, chứng khoán, ngân hàng… Đặc biệt, đây là một trong số ít những công ty tại TPHCM cung cấp các giải pháp RFID. Đến nay, iNext đã có những khách hàng quen thuộc từ các công ty, doanh nghiệp chứng khoán như Phú Gia, Toàn Cầu, Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức… Trong năm đầu tiên hoạt động 2010, iNext lãi hơn 30.000 USD, năm 2011 cũng gần đạt con số tương tự.
Theo TS Mai Thanh Phong, Giám đốc vườn ươm doanh nghiệp Bách Khoa, trong tổng số 5 vườn ươm doanh nghiệp tại TPHCM, có 2 vườn ươm trong trường đại học (Đại học Nông Lâm và Đại học Bách Khoa), đây là con số vẫn còn khá khiêm tốn so với nguồn lực mà TPHCM đang có. Tuy nhiên, do còn ở giai đoạn đầu phát triển các vườn ươm, nên chất lượng vẫn cần hơn số lượng. Với những thành quả gặt hái được ban đầu, đây chính là động lực không nhỏ cho các doanh nghiệp trẻ trong vườn ươm. Trước mắt, họ có thể tiếp tục duy trì hoạt động của doanh nghiệp với khoản lãi ban đầu. Tuy nhiên, cũng theo TS Phong, đa phần chủ doanh nghiệp lại là giảng viên trẻ kiêm nhiệm, gần như đã có “một chân” chắc chắn là nghề giáo, nên tính doanh nhân thể hiện chưa cao, cộng thêm nguồn hỗ trợ hiện nay từ nhà nước chưa nhiều và chưa sát, các vườn ươm và chính các công ty trong vườn ươm phải tự lực cánh sinh là chính. Để tạo thêm nguồn quỹ hoạt động, Ban quản lý vườn ươm Đại học Bách Khoa nhận tìm kiếm các khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp, đấu thầu các dự án, mở rộng chuyển giao và hỗ trợ công nghệ ra nước ngoài. Đây chỉ là những hoạt động “chữa cháy” trong khi chờ sự hỗ trợ nhiều hơn từ nhà nước. Cũng theo nhiều doanh nghiệp trong các vườn ươm, ngoài sự hỗ trợ kiến thức và lớp huấn luyện cơ bản từ vườn ươm trong trường, họ chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Sở KH-CN TPHCM. Đại diện iNext, Th.s Nguyễn Chí Ngọc dẫn chứng, dù đã tìm được đối tác để thương mại hóa sản phẩm và bản thân công ty đã trình đề án sản xuất thử nghiệm thiết bị dựa trên công nghệ RFID xin vay vốn, thế nhưng vẫn không được phía sở chấp nhận. Kết quả, đối tác hủy bỏ hợp đồng, bản thân iNext cũng dậm chân tại chỗ trong đề án RFID. Thực tế, vấn đề nguồn vốn luôn là trở ngại với các doanh nghiệp mới ở giai đoạn khởi sự. iNext hay CenfoTech là những doanh nghiệp đã có những kết quả bước đầu trong quá trình kinh doanh nhưng cũng theo họ, nếu không dựa vào mối quan hệ và nguồn lực cá nhân, khó mà đạt được những kết quả trên. Từ đó, TS Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Đại học Nông Lâm kiến nghị: “Ngoài hỗ trợ chuyên môn sát với nhu cầu của các doanh nghiệp, các đơn vị liên quan như vườn ươm, sở KH-CN, các quỹ đầu tư… cần đồng hỗ trợ nguồn vốn và tìm hướng đi mới, giúp các doanh nghiệp trẻ trước khi nghĩ đến việc tuyển chọn thêm các doanh nghiệp mới vào vườn ươm”. |
Số lần xem trang: 2367
Điều chỉnh lần cuối: 26-04-2012