Phát triển nấm, cơ hội vàng
Không phải ngẫu nhiên mà nấm đã vượt qua nhiều loại cây, con chủ lực khác để trở thành 1 trong 4 sản phẩm quốc gia lĩnh vực nông nghiệp. Bởi nước ta đang có lợi thế cũng như tiềm năng lớn để phát triển trồng nấm.
Hiệu quả cao
Theo PGS.TS Phạm Thành Hổ (ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM), nghề trồng nấm đã xuất hiện ở miền Nam từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Trước năm 1975, nghề trồng nấm rơm và nấm mèo đã phố biến ở khu vực Nam Sài Gòn và Bắc Long An vào mùa khô. Sau năm 1975, nhất là từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước trở lại đây, đã hình thành nhiều vùng SX nấm tập trung. Tuy nhiên, nhìn chung nghề trồng nấm vẫn đang ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát.
Thực tế SX nấm ở các tỉnh phía Nam trong những năm qua cho thấy đây là một sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Ông Lê Quang Khôi (Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng & dịch vụ KH-CN, Sở KH-CN Tiền Giang), cho biết, kết quả khảo sát từ các mô hình trồng nấm ở Tiền Giang năm 2010 cho thấy: Trồng nấm rơm, đầu tư 1 tấn nấm hết 1,1 triệu đồng, sau 1 tháng thu hoạch nấm đem bán đạt doanh thu 2 triệu, nông dân thu lời 900 ngàn đồng; nấm bào ngư Nhật, trồng trong nhà, chu kỳ 6 tháng, cứ 10.000 phôi/120 m2 đầu tư hết 45 triệu đồng, khi bán thu được 65 triệu, nông dẫn lãi 20 triệu đồng; nấm linh chi trồng trong nhà, chu kỳ 5 tháng, cứ 10.000 phôi/120m2, đầu tư hết 55 triệu đồng, doanh thu 72 triệu, nông dân lãi 17 triệu đồng.
Theo Sở NN-PTNT Cần Thơ, năm 2011 diện tích trồng nấm rơm ở TP này là 602 ha. Nấm SX chủ yếu trong vụ hè thu do nông dân tận dụng rơm từ vụ lúa hè thu và lúa thu đông. Năng suất nấm năm 2011 ở Cần Thơ đạt mức bình quân 5,8 tấn/ha. Với giá bán 26.000 đồng/kg, tổng thu nhập trên 1 ha nấm đạt 108.281.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, nông dân Cần Thơ thu lời bình quân 69.156.000 đ/ha. Mô hình SX nấm bào ngư ở Cần Thơ còn cho lợi nhuận cao hơn nhiều, tới 100 triệu đồng/ha.
Thông tin từ Sở NN-PTNT An Giang cho thấy, SX nấm rơm ở tỉnh này cho lợi nhuận khá cao. 1 ha trồng nấm rơm cần 50 ha rơm nguyên liệu. Từ khi ủ rơm, chất dòng, chăm sóc, tới khi thu hoạch xong là 45 ngày. Mỗi ha nấm rơm đầu tư hết 110 triệu đồng, năng suất đạt 10 tấn, tổng thu nhập 280 triệu đồng. Trừ chi phí, nông dân thu lời 176 triệu đồng/ha.
Ở nhiều tỉnh, TP phía Nam, đã xuất hiện nhiều mô hình SX nấm giống và nấm thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Ông Nguyễn Văn Bền (ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An) tận dụng 150 m2 để trồng nấm linh chi trên mạt cưa. Do đầu tư khá đồng bộ, từ nhà trồng nấm tới nhà nhân giống, nên ông Bền đã chủ động được số lượng bịch phôi cũng như chất lượng phôi.
Nhờ đó, chỉ với 150 m2, ông Bền đã thu lời được 60 triệu đồng. Cơ sở nấm Thanh Bình của ông Võ Tấn Ngọc ở ấp Bàu Trâm, thị xã Long Khánh, mỗi năm cung cấp khoảng 1 triệu bịch nấm mèo đen cho các hộ trồng nấm ở Đồng Nai và Lâm Đồng, đồng thời SX 40 ngàn bịch nấm mèo đen thương phẩm, thu lời 200 triệu đồng.
Những doanh nghiệp, trang trại lớn đầu tư bài bản vào việc trồng nấm, lợi nhuận còn cao hơn nữa. Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, trại nấm Phú Bình (Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, TP HCM) chỉ có 1 ha SX nấm, nhưng doanh thu đạt 450-600 triệu đồng; Cty CP Sinh học nấm Việt (Phú Hòa Đông, Củ Chi) đầu tư trồng nấm linh chi, bào ngư, hoàn kim, hoàng linh chi, thượng hoàng… trên diện tích 0,8 ha, mỗi năm đạt doanh thu từ 400-800 triệu đồng…
PGS.TS Lê Xuân Thám (Sở KH-CN Lâm Đồng) cung cấp thêm thông tin, ở Long Khánh (Đồng Nai), cơ sở SX, chế biến nấm của anh Bùi Quang Trung, mỗi năm thu về khoảng 2 triệu USD từ XK nấm.
Nếu so sánh giá nấm XK với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác, cũng sẽ thấy cây nấm có giá trị thương mại cao hơn nhiều. PGS.TS Phạm Văn Dư cho biết, giá nấm rơm muối XK hiện khoảng 2.000 USD/tấn, cao gấp gần 5 lần so với giá gạo 5% tấm. Còn theo ông Lê Duy Thắng (ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM), giá nấm linh chi XK hiện khoảng 15.000 USD/tấn; nấm mèo xuất khẩu hiện có giá 3.500 USD/tấn, nấm bào ngư 2.600 USD/tấn …
Phát triển nhanh
Theo PGS.TS Phạm Thành Hổ, Việt Nam hiện đã đứng đầu Đông Nam Á về nghề trồng nấm. Có được điều này là nhờ nước ta có nguồn nguyên liệu dồi dào và lợi thế về SX nấm khi điều kiện thời tiết cho phép nuôi trồng được nhiều chủng loại nấm ưa nhiệt, ưa mát, ưa lạnh. PGS.TS Lê Xuân Thám khẳng định Tây Nguyên chính là địa bàn chiến lược để phát triển nghề trồng nấm ở nước ta bởi khu vực này có thể phát triển tốt cả 3 chủng loại nấm nói trên.
Không chỉ có dồi dào nguồn nguyên liệu SX nấm, nguồn giống nấm nội địa, mà nghề trồng nấm ở nước ta đang có những bước phát triển khá nhanh, mà theo đánh giá của PGS.TS Phạm Thành Hổ, Việt Nam đứng trong nhóm 5 nước có nghề nấm phát triển nhanh nhất thế giới. |
Đặc biệt Đà Lạt là nơi có thể trồng nấm mỡ quanh năm. Nếu đẩy mạnh phát triển nấm mỡ ở Đà Lạt, chúng ta có thể cạnh tranh được với nấm mỡ Trung Quốc (nước SX tới 4 triệu tấn nấm mỡ/năm) không chỉ trên thị trường nội địa mà cả trên thị trường thế giới.
Theo Cục Trồng trọt, các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm đang ngày càng được nâng lên, qua đó đã giúp cho năng suất nấm tăng gấp 1,5-3 lần so với trước đây. Năng suất một số loại nấm chủ lực của Việt Nam như sau: Nấm rơm có năng suất 12-15% nấm tươi/nguyên liệu khô; mộc nhĩ năng suất đạt 80-85% nấm tươi/nguyên liệu khô; nấm sò đạt 50-60% nấm tươi/nguyên liệu khô; nấm mỡ đạt 20-25% nấm tươi/nguyên liệu khô (cá biệt có hộ đạt 35%); nấm linh chi đạt 3-4% nấm khô/nguyên liệu khô…
Số lần xem trang: 2451
Điều chỉnh lần cuối: 06-06-2012