Làm khoa học cũng phải nói dối
PGS.TS LÊ XUÂN CẢNH - viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam) - kể về những chuyện ông phải nói dối.
Ông Lê Xuân Cảnh
- Trước hết, phải hiểu nói dối ở đây là nói dối để được việc khoa học chứ không phải nói dối các kết quả nghiên cứu. Nói dối quy chế tài chính để giữ nguyên kết quả khoa học thì chúng tôi phải làm vì đi nghiên cứu có những cái phát sinh mà trong dự toán không có.
Nói dối ai cũng biết
* Ông từng phải nói dối trong khi thực hiện các đề tài của mình như thế nào?
- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học có nhiều cơ chế ràng buộc, chẳng hạn về định mức, giữa cái dự toán theo quy chế của Nhà nước với chi tiêu thực tế vênh nhau rất nhiều. Chúng tôi thực hiện đề tài phải đi vùng xa, vùng núi mà thuê người vận chuyển mẫu thì định mức thuê rất hạn chế, thường dự toán là 50.000 đồng/người/ngày nhưng thực tế thuê không dưới 100.000 đồng. Vì vậy, chúng tôi phải khai tăng số lượng lên, thuê một người thì khai thuê hai, thuê một ngày thì khai hai ngày để đủ định mức.
Có những lúc đi làm, đoạn đường 20km nhưng đi ôtô mất 8-10 giờ. Nói thì không ai tin nhưng đến thực tế mới thấy nó phải như thế. Khi thanh toán, chúng tôi buộc phải khai đi 300-400km cho khớp với mười giờ. Rồi công tác phí một ngày là 100.000-150.000 đồng nhưng thực tế số ấy không đủ. Và bằng cách nào đấy phải khai tăng thời gian đi thực địa để đảm bảo kinh phí cho anh em. Có lần tôi mời những người phụ trách tài chính đi cùng để xem thực tế thế nào nên khi thanh quyết toán họ cũng hết sức thông cảm chuyện này.
Có trường hợp cán bộ không thuộc diện được đi máy bay nhưng vì thời gian gấp họ phải đi máy bay. Khi thanh toán vẫn khai đi ôtô nhưng phải khai quãng đường, thời gian khớp với số tiền đi máy bay. Chúng tôi biết những việc đấy không đúng theo quy định nhưng tình hình thực tế phải làm thế.
Đấy là những chuyện mà ai cũng biết. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học sử dụng nguồn kinh phí đủ để triển khai nghiên cứu trong điều kiện khó khăn của mình. Sắp tới, nếu đổi mới Luật khoa học và công nghệ thì nên có giải pháp làm sao để các nhà khoa học chủ động trong nghiên cứu, tất nhiên vẫn tuân thủ các quy định của Nhà nước.
* Nhà khoa học thường có lòng tự trọng rất cao. Khi phải nói dối như vậy, cảm giác của ông thế nào?
- Gọi là nói dối nhưng đấy là nói dối thủ tục để giữ được kết quả khoa học, tức là bằng cách nào đấy để hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình nhưng kết quả đấy phải trung thực. Còn nếu phải nói dối kết quả để được tài chính thì chúng tôi không làm.
* Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng cần tin tưởng các nhà khoa học và việc đầu tư cho khoa học phải coi là đầu tư mạo hiểm?
- Ở VN, cơ quan quản lý còn rất yếu về việc thẩm tra, thẩm định kết quả nghiên cứu. Vì thế họ mới sợ rằng liệu kết quả đấy có chính xác không và họ phải bó chặt cơ chế tài chính.
Ở nước ngoài, họ có tiêu chuẩn một giáo sư một năm được chi tiêu bao nhiêu, kết quả ra sản phẩm gì, giữa kỳ có báo cáo, cuối kỳ thì kiểm tra sản phẩm. Khi có sản phẩm đúng với đề xuất ban đầu thì kinh phí tự động được giải ngân, tất nhiên phải có hóa đơn, chứng từ. Cơ chế của họ thoáng hơn rất nhiều, không theo năm tài chính, không theo thời gian cố định mà bắt đầu tính từ khi triển khai đề tài. Nhưng đấy là cơ quan quản lý tài chính phải đủ mạnh để kiểm tra được kết quả đề tài.
Những cái đó tôi cho rằng chúng ta cũng phải suy nghĩ để triển khai chứ không phải không làm được.
Chủ đầu tư chỉ đạo nhà khoa học
* Ngoài sự gian dối do cơ chế tài chính, trong khoa học cũng còn những gian dối khác?
- Đó là chuyện kết quả nghiên cứu làm ra không đúng với tình hình thực tế hoặc sử dụng kết quả của người khác. Nhiều khi một nhà khoa học nộp đề cương xong mà nếu người khác biết vấn đề đó, khai thác thông tin đó và công bố trước hoặc đưa cái đó vào đề tài của mình thì họ lại chính thức được công nhận. Việc phán xử kết quả đó của ai lại chưa có quy định rõ ràng vì đăng ký bản quyền, đăng ký công bố còn nhiều vấn đề khập khiễng. Đấy là sự gian dối trong khoa học.
* Tình trạng này có phổ biến không, thưa ông?
- Tương đối phổ biến nhưng cơ chế giám sát của mình chưa chặt, việc đăng ký bản quyền chưa phát triển nên để phán xét những trường hợp cụ thể, chứng minh ai đúng, ai sai thì phải theo đuổi một quá trình tốn rất nhiều công sức.
* Còn chuyện địa phương “bắt tay” với các nhà khoa học, thậm chí chính nhà khoa học chủ động gợi ý để thực hiện các đề tài khoa học không cần thiết với nhu cầu của địa phương cốt để lấy được số kinh phí cấp cho sự nghiệp khoa học, công nghệ của địa phương thì sao?
- Nó vẫn là kết quả khoa học nhưng vấn đề là sử dụng kết quả đó, sử dụng nguồn vốn đó có hiệu quả không thôi. Ở địa phương, nhiều khi người ta sử dụng nguồn vốn khoa học, công nghệ không đúng với mục tiêu, chưa hiệu quả trong khi các đề tài lớn của Nhà nước lại thiếu kinh phí, vì thế việc phân phối đồng đều cho khoa học, công nghệ về mặt nào đấy là tốt nhưng cũng nên có đầu tư tập trung.
Chức năng của viện tôi là điều tra nghiên cứu về tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học nên địa phương nào phát triển theo đúng hướng đấy thì chúng tôi tham gia. Nếu nghiên cứu những cái chúng tôi đã có thì chúng tôi không tham gia.
* Thưa ông, mới đây báo chí phát hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của thủy điện Sông Tranh 2 có sự gian dối. Từng tham gia lập các báo cáo ĐTM, hẳn ông biết những gian dối trong việc lập báo cáo ĐTM mà ở đó có trách nhiệm của các nhà khoa học?
- Việc đầu tư cho báo cáo ĐTM đến nay không nghiêm túc lắm vì nguồn kinh phí cho ĐTM rất ít so với tổng đầu tư cho dự án. Các chủ đầu tư thường bằng cách này, cách khác gọt giũa cho ĐTM đẹp để làm sao dự án được triển khai. Có chủ đầu tư nhiều kinh phí, gọi là mua thì hơi quá, nhưng họ làm sao để các nhà khoa học lập ĐTM theo sự chỉ đạo của họ cho thuận.
Có trường hợp đáng lẽ nhà khoa học phải nghiên cứu trực tiếp để đưa ra kết quả nhưng không có điều kiện, không có thời gian, không có kinh phí nên phải thu thập thông tin, kết quả nghiên cứu cũ và đưa ra kết quả không phù hợp với tình hình thực tế. Khi xét duyệt ĐTM, người ta tin vào các nhà khoa học để duyệt cho triển khai dự án nhưng khi triển khai thì có nhiều vấn đề bất cập như ở một số dự án lớn hiện nay.
Nhưng nếu báo cáo ĐTM có vấn đề bị đề nghị thẩm tra lại và nhóm nhà khoa học khác không phụ thuộc chủ đầu tư vào cuộc thì họ mạnh dạn hơn, đã có kiến nghị buộc dừng dự án. Tôi đã tham gia thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án casino tại vùng lõi vườn quốc gia Tam Đảo. Khi thẩm định thì thấy không chuẩn và kiến nghị dự án này không được triển khai.
Phát biểu tại phiên họp ngày 22-9 của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội về cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ, ông Nguyễn Quân, bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, cho rằng cơ chế tài chính cho khoa học - công nghệ còn nhiều bất cập, trong đó có việc thanh quyết toán đòi hỏi hóa đơn, chứng từ chi tiết dẫn đến tình trạng nhà khoa học thiếu trung thực khi thanh quyết toán các nhiệm vụ nghiên cứu. Ông Quân dẫn chứng câu chuyện các nhà khoa học Nhật Bản được nhà nước tin tưởng giao kinh phí và kiến nghị cần tin tưởng, giao quyền cho nhà khoa học và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tạo niềm tin cho các nhà khoa học, khắc phục tình trạng gian dối trong cách hợp lý hóa chứng từ, hợp thức hóa dự án khoa học - công nghệ cần bổ sung kinh phí. |
(Theo Tuổi trẻ)
Số lần xem trang: 2441
Điều chỉnh lần cuối: