Một mặt kiểu tư duy này mở đường cho chế độ dân chủ, lý tưởng tự do, quan niệm nhân quyền… Mặt khác các thành tựu tư duy KHCN đã thực sự thay đổi hoàn toàn trái đất và con người sâu và rộng, làm mọi thứ tốt đẹp, giàu, sang gấp bội, của cải vật chất tăng cấp số nhân. Dù từ nửa sau thế kỷ 20 người ta thấy khoa học có thể trở thành mù quáng và tai họa qua nỗi nhục thế chiến II và nỗi oán hận của vũ khí hạt nhân, khoa học không thể giải thích mọi thứ (thí dụ như chiến tranh và ái tình!) Con người còn có và cần những thứ khác như tình yêu, xúc cảm, thói quen, linh tính, sự đồng cảm…
Mặc dầu vậy, nhất là ở các nước chậm tiến, người ta vẫn tin quyền lực chất xám là vô giới hạn và muốn “khoa học hóa” mọi thứ bởi các quốc gia đi sau chỉ có một cửa là dựa vào khoa học và sự ứng dụng nó là công nghệ mới hòng đuổi kịp các nước “tiên tiến”. Và quá trình “khoa học hóa” mọi thứ đôi khi được tiến hành một cách ngụy, phi hoặc phản khoa học:
Khoa học được phổ thông hóa. Số lượng các ĐH, số sinh viên, tỉ lệ số sinh viên trên số dân trở thành mục tiêu phấn đấu bằng cách hạ thấp chuẩn, coi nhẹ chất lượng nhưng coi trọng bằng cấp. Các con số này tăng vọt trấn an chính quyền và dân chúng.
Thứ hai là mọi lĩnh vực hoạt động đều được “khoa học hóa” bằng cách mở vô số ngành mới, nhất là xã hội-nhân văn, văn hóa nghệ thuật, chính trị tư tưởng, quản lý xã hội… mà hàm lượng khoa học thì quá thấp. Sự phụ thuộc của các ngành khoa học này vào thần - thế quyền còn rất nặng hoặc thậm chí (như bài trước đã trích dẫn) còn xu phụ các cá nhân lãnh đạo, biện minh cho những quan niệm chủ quan có sẵn, chứng minh hậu kiểm cho các chính sách đã ban hành… Ngoài dân gian thì các môn tướng tay/mặt/nốt ruồi, gieo quẻ, bốc thẻ, các môn lý số cổ đại phong thủy Hà Lạc… đều được trình bày quảng bá là rất “khoa học” và vì thế rất hiệu nghiệm.
Thứ ba là các “nhân sự khoa học” của hệ thống phát triển khoa học nhanh, nhiều, tốt, rẻ này chiếm lĩnh các tất cả các thiết chế xã hội. Từ bộ máy hành chính, quan chức (có cả đề án “tiến sĩ hóa” toàn bộ cán bộ cấp huyện!) đến các trường, viện, trung tâm. Chỉ có khu vực doanh nghiệp tư nhân ít “hàm lượng khoa học” vì họ không thể lãng phí tiền cho những thứ hữu danh vô thực! Nền hành chính chi chít chức, danh, hàm vị, tràn ngập các “công trình” khảo sát, nghiên cứu, đề xuất khoa học (mà có người gọi là “tào lao”, chủ yếu để giải ngân!).
Chưa bao giờ nền hành chính lại lắm “khoa bảng” như ngày nay. Vậy mà có đến hàng chục ngàn văn bản sai luật. Về tài nguyên môi trường hai năm qua ra 957 văn bản thì quá nửa sai luật. Chủ tịch Hội Khoáng sản VN kêu rằng: “Thiếu “chất xám” trong khai thác khoáng sản”. Thế không là ngụy, là phi tất là phản khoa học! Đó là tai nạn trên giấy hỏi tai nạn trên “thực địa” to và nhiều hơn bao nhiêu lần?
Các trường, viện, trung tâm làm khoa học, công nghệ và GDĐT đều rất xập xệ và lệch chuẩn về mọi phương diện từ cơ sở hạ tầng, điều kiện nghiên cứu, lương và tiền công lao động tới chất lượng bằng cấp, nhân sự và việc sử dụng “chất xám” khiến một đại lão GS toán học phải than rằng: Gian dối lại đẻ ra gian dối. Nhìn tỉ lệ sinh lời, tỉ lệ thành tựu kết quả (công bố, bằng sáng chế phát minh, đóng góp vào lãi và tăng năng suất) trên mỗi VNĐ đầu tư cho KHCN, thì thấy khoa học ta đây là thực hay ngụy phi phản! Các chỉ số đều thấp duy có số hàm vị chức vụ, luận văn và bằng cấp phát ra vẫn cao, vẫn liên tục bị làm giả và buôn bán.
May thay ta đã nhìn ra, đang có nhiều thay đổi trong quản lý và thực hành KHCN. Toàn ngành GDĐT và riêng sách giáo khoa cũng sẽ bị cải cách toàn diện triệt để nghĩa là tẩy rửa cho bằng hết những cái ngụy-phi-phản khoa học đi.
Bình rằng: Ngụy - phi - phản khoa học thì nền KHCN nào, nước nào cũng có. Tỉ lệ rất thấp thì tiến vọt như Nhật, Hàn… Tỉ lệ thấp thì thoát bẫy trung bình như Mã, Thái… Tỉ lệ cao thì lụn bại… đã nhãn tiền.
Số lần xem trang: 2362
Điều chỉnh lần cuối: