Vien Nghien Cuu Cong Nghe Sinh hoc va Moi Truong - DH Nong Lam TP.HCM, RESEARCH INSTITUTE FOR BIOTECHNOLOGY AND ENVIRONMENT- NONG LAM University

Sinh viên bình thường làm sao thành nhà nghiên cứu?

14/12/2013 08:46 (GMT + 7)
 
TTO - Nhằm tiếp thêm tình yêu khoa học, tinh thần sáng tạo trong thanh thiếu nhi và bạn đọc cả nước, từ 9g đến 11g30 ngày 14-12, tại báo Tuổi Trẻ sẽ diễn ra buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Chân trời khoa học".
 
NỘI DUNG GIAO LƯU

* Ở Việt Nam tại sao bằng sáng chế hầu hết là của nông dân và những con người bình thường đam mê nghiên cứu mà trong khi đó giáo sư tiến sĩ thạc sĩ nhiều vô kể... mong các chuyên gia giải đáp thắc mắc giúp tôi !? (Minhvuong.gatre@...)

- PGS.TS Trần Văn Lăng: Chúng ta thường nghe những tin tức, hình ảnh của người nông dân này tạo ra sản phẩm này, sản phẩm nọ qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tại sao như vậy? Vì xã hội phải có chủ trương cho mỗi người phải ra sức sáng tạo, tạo ra những của cải cho cộng đồng. Không những những người làm khoa học mà cả những người khác.

 

Khách mời của buổi giao lưu gồm:
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành - Phó Ban Khoa học và Công nghệ - ĐHQG TP.HCM.
- PGS.TS Trần Văn Lăng - Phó Viện trưởng, Viện Cơ học và Tin học ứng dụng
- PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
- ThS. Đoàn Kim Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ Trẻ.
- KS. Tô Thị Nhã Trầm - Giảng viên Trường ĐH Nông Lâm, đạt giải nhì năm 2007, đạt nhiều giải thưởng như Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Giải thưởng Lương Định Của, Giải thưởng Quả cầu vàng, hướng dẫn sinh viên tham gia Euréka đạt giải các năm 2011, 2013.
Đặc biệt khi một con người không được một sự hỗ trợ từ phía sau mình mà vẫn tạo ra những phát minh, những sáng chế. Đó là điều cần dược tôn vinh hơn cả. Chính qua những phương tiện và chủ trương đó làm cho người nghe, người nhìn lầm tưởng hầu hết là của người nông dân, của những con người bình thương đam mê NCKH.
Bản thân chúng tôi thường tham dự chấm giải khoa học kỹ thuật của thành phố, giải VIFOTEC của cả nước; Hầu như chưa bao giờ nghe sáng chế của một người nông dân được nộp lên.
Về số liệu tôi tin chắc không thể có hầu hết bằng sáng chế là của người nông dân hay của người bình thường đam mê NCKH. Tuy nhiên đứng ở góc độ khoa học cần phải có sự khảo sát, sự thu thập số liệu mới có được con số chính xác. Người làm khoa học phải dùng tính từ chỉ số lượng để nói lên một điều gì đó thay vì dùng trạng từ.
Hơn nữa vì sao GS, TS, ThS nhiều mà số lượng không tương xứng về những phát minh sáng chế. Thứ nhất, người làm NCKH thự sự họ ít có thời gian nghĩ đến việc đăng ký bằng sáng chế.
Thứ hai, đặc biệt hơn nữa, càng học càng có kiến thức họ càng cảm thấy mình nhỏ bé trước tri thức mênh mông của nhân loại; nên những gì làm được họ vẫn còn cảm thấy nhỏ bé. Từ đó họ cũng không mạnh dạn đăng ký sáng chế của mình
Tôi đang có một dự án nghiên cứu bên lĩnh vực giáo dục mà đối tượng nghiên cứu của tôi khá rộng là sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP.HCM. vậy nên cho tôi hỏi là có chương trình hỗ trợ kinh phí nào để có thể thực hiện tốt đề tài không ạ? (nguyenphuocthanh200893@...
PGS. TS NGÔ MINH OANH: Trước hết, tôi rất hoan nghênh vì bạn đã quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và có ý định nghiên cứu 1 đề tài thuộc lĩnh vực này.
Như bạn nói, đối tượng là sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP.HCM, ở đây, vấn đề lớn hay không lớn là do giới hạn phạm vi, nội dung nghiên cứu.
Ví dụ, bạn có thể nghiên cứu đề tài sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP nhưng không nhất thiết là phải nghiên cứu ở tất cả các trường đại học, trên tất cả các sinh viên mà bạn có thể chọn mẫu nghiên cứu. Vấn đề là cái mẫu đó phải tiêu biểu, đại diện cho vấn đề nghiên cứu của bạn, đảm bảo tính khoa học và chính xác.
Hoặc là cũng vấn đề đó nhưng bạn chỉ chọn 1 lĩnh vực. Ví dụ như lối sống, vấn đề chọn nghề, hay về quan điểm về tình yêu, hôn nhân của sinh viên chẳng hạn. Như vậy vấn đề sẽ không còn lớn nữa mà sẽ phù hợp với điều kiện, khả năng của bạn.
Về kinh phí phục vụ cho đề tài nghiên cứu, hiện nay ở các trường đại học đều dành kinh phí nhất định cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Bạn có thể đăng kí ở khoa và trường của bạn. Hoặc Thành Đoàn hiện nay cũng có kinh phí tài trợ cho nghiên cứu khoa học trẻ. Bạn có thể thông qua các tổ chức Đoàn hay Thanh niên nơi bạn học để đăng kí xin tài trợ kinh phí.
Hiện nay số lượng các đề tài đạt giải Nghiên cứu khoa học rất nhiều nhưng chỉ một số nhỏ được đưa vào áp dụng thực tế, vậy còn lại 1 con số rất lớn những đề tài hay, ý nghĩa đi về đâu hay lại dần bị lãng quên? Làm như thế có phải là đã lãng phí công sức của các bạn bỏ ra trong quá trình nghiên cứu không ạ? merykimphuong@...
PGS. TS NGÔ MINH OANH: Hiện nay không chỉ có một số đề tài nghiên cứu của sinh viên bị lãng phí do không được sử dụng vào thực tế mà các đề tài nghiên cứu khoa học nói chung, một số đề tài cũng có tình trạng như vậy.
Nguyên nhân là do khi lựa chọn đề tài không bám sát vào các yêu cầu thực tiễn đặt ra, nên các đề tài đó thiếu thực tiễn, khi nghiên cứu xong thì không áp dụng được ở đâu cả.
Hoặc có những đề tài cũng có ý nghĩa thực tiễn nhưng chưa được những cơ quan sử dụng một cách có hiệu quả. Có thể do các cơ quan đó không nắm được thông tin hoặc vì một lý do nào đó mà họ không sử dụng.
Đây là một vấn đề đòi hỏi các nhà nghiên cứu và các cơ quan có thể thụ hưởng kết quả nghiên cứu cần phải liên kết chặt chẽ với nhau để tránh bị lãng phí.
Tuy nhiên, có một điều cũng cần nói rằng là đề tài nghiên cứu của các em chưa được sử dụng nhưng lợi ích mang lại cho các em cũng rất lớn.
Đó là kinh nghiệm trong nghiên cứu như vấn đề chọn đề tài thế nào cho đáp ứng nhu cầu thực tiễn, khả năng sưu tầm tư liệu, giải quyết vấn đề và hệ thống các phương pháp nghiên cứu,...
Tóm lại, những kinh nghiệm có được trong quá trình nghiên cứu mang lại những lợi ích cho chính các em khi tiến hành lựa chon và nghiên cứu các đề tài sau.
Đâu là trung tâm tích điện hay có thể nói là nơi có xác suất xảy ra sấm cao nhất trong một đám mây? Liệu có thể khai thác điện năng từ sấm sét? Và lượng điện năng ấy có thể lưu trữ như thế nào? (Nguyễn Kim Chi, 15 tuổi, (chi.nguyenkim1998@...)
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành - Phó Ban Khoa học và Công nghệ - ĐHQG TP.HCM:
Chào bạn, cảm ơn bạn về câu hỏi rất thú vị.
Thông thường những đám mây mang điện tích, khi đến gần nhau sẽ tạo ra những chênh lệch điện áp rất lớn và khi điện áp đủ lớn để có thể xuyên thủng lớp cách điện (ở đây là môi trường không khí) thì sẽ xảy ra hiện tượng phóng điện giữa các đám mây với nhau và tạo ra sấm chớp.
Năng lượng điện trong các đợt sấm sét rất lớn và trong một số tài liệu, lượng năng lượng này có thể thắp sáng cho cả một thành phố lớn trong một năm, nên gần như với nền khoa học công nghệ hiện nay, chưa có nhiều giải pháp để lưu trữ lượng năng lượng từ các đợt sấm sét.
Thưa thầy cô, theo em được biết, việc nghiên cứu khoa học là việc được nhà trường rất quan tâm. Tuy nhiên, phải làm như thế nào mới có thể trở thành 1 nhà nghiên cứu khi chỉ là 1 sinh viên bình thường? Và việc nghiên cứu khoa học có nhất thiết phải có thầy cô hướng dẫn hay không, hay em có thể tự mình thực hiện những ý tưởng của mình? (hieu@yhaoo...
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành: Xin chào bạn, tôi rất vui và hoan nghênh tinh thần học hỏi và đam mê khoa học của bạn. Những quan tâm của các bạn sinh viên đến nghiên cứu khoa học rất đáng khen ngợi
Theo tôi, bạn đang có điều kiện rất tốt để trở thành nhà nghiên cứu trong tương lai. Ở giai đoạn sinh viên, các bạn nên chủ động thực hiện những ý tưởng khoa học của mình dưới sự hướng dẫn của thầy cô, vì điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong nghiên cứu.
Thầy cô là người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức để giúp các bạn định hướng trong nghiên cứu, giúp phân tích và đánh giá các kết quả đạt được, các vấn đề khoa học trong quá trình nghiên cứu.
Ngoài ra, trong nghiên cứu khoa học, ý tưởng là đáng quý nhưng chưa đủ. Để có được những kết quả khoa học hay, các bạn cần có những phương pháp nghiên cứu mới, tiên tiến và phù hợp để tránh mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Và điều này chỉ có thể thực hiện với sự hướng dẫn của các thầy cô .
Chúc bạn sớm trở thành nhà nghiên cứu nhé.
Làm thế nào để việc học không phải là một nghĩa vụ, một trách nhiệm mà là một đam mê? Làm thế nào để có hứng thú ngồi vào bàn học mỗi ngày (queen.vmc@...)
PGS. TS Ngô Minh Oanh: Đây là một câu hỏi rất thú vị, luôn luôn được đặt ra từ những người đi học nói chung và sinh viên nói riêng. Ở đây, để sinh viên có được đam mê trong học tập thì phải có rất nhiều yếu tố như là chọn ngành học, các môn học và năng lực học của từng người cũng như các yếu tố khách quan như là môi trường học tập, giảng viên, các điều kiện học tập,...
Theo tôi người học muốn có được niềm đam mê thì cần phải xác định được mục đích của việc học tập. Nếu lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực của mình thì chắc chắn người học sẽ không thấy nặng nề, việc học đó là cho chính mình chứ không phải học cho bố mẹ hay cho người khác. Vì vậy, người học sẽ tìm được niềm vui trong học tập.
Để có được niềm say mê thì người học cũng cần phải có những phương pháp khoa học để tránh áp lực và phân tâm trong quá trình học tập.
Ví dụ khi ngồi vào bàn học với tâm thế thật thoải mái, bỏ tất cả công việc và suy tư khác ra khỏi đầu, khởi động trí não hướng tới những nội dung mà mình sẽ học, tưởng tượng ra những điều hấp dẫn và lợi ích mà mình sẽ có được khi tiếp cận với những kiến thức mới.
Từ đó sẽ tập trung cao độ cho những vấn đề mà người học cần phải đạt được và khi đã đạt được mục tiêu đề ra thì người học sẽ cảm thấy như mình "lớn lên", trưởng thành lên. Điều đó sẽ làm cho mình phấn khởi và hứng thú hơn để tiếp tục học tập những nội dung khác.
- KS. Tô Thị Nhã Trầm: Câu hỏi này đã được rất nhiều bạn trẻ quan tâm khi bước vào ngưỡng cửa tri thức, một điều có thể sẻ chia với các bạn trẻ là làm thế nào để có hứng thú cũng như đam mê việc học. Ở đây việc học không chỉ là học chữ mà còn học cách sống, cụ thể cách giao tiếp, cách ứng xử...
Do đó, các bạn thường bị một ràng buộc bởi ba chữ: "học và học". Thực tế, tâm lý của mỗi bạn trẻ chúng ta là phải làm thế nào để học được môn này, thi được môn này hoặc học cho thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của người thân và bạn bè, mà các bạn chưa thực sự nghĩ rằng học là cách để mình tiếp cận với xã hội cũng như thâm nhập và khám phá thế giới quan.
Nếu các bạn có thể nghĩ được học là cách mình thỏa được những gì mình muốn biết, học để giao lưu và có thêm nhiều bạn mới. Đó cũng là những cách đơn giản mà bạn nào cũng có thể thực hiện được, ngoài ra đứng ở phương diện là một giảng viên thì theo ý kiến riêng mình là học là để nâng cao kiến thức, để hòa nhịp cùng sự phát triển của xã hội đặc biệt là thỏa được niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học.
* Tiến sĩ thì nhiều như lá mùa thu nhưng tại sao khoa học VN không được đánh giá cao so với khu vực và thế giới. Theo tôi bằng cấp chỉ là ĐỒ TRANG TRÍ nếu thiếu ĐAM MÊ! Có nên THU HỒI BẰNG CẤP & DANH HIỆU nếu sau 3 năm NKH không có phát minh được công nhận ?(levan, 70 tuổi, levanmienhg@...)
PGS.TS. Trần Văn Lăng: Đây là câu hỏi hay và thú vị, bản thân tôi cũng có nhiều suy nghĩ về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi vẫn có ý riêng của mình (không phải ý kiến - ý của kiến). Đúng là VN chúng ta có nhiều tiến sĩ, nhưng nhiều là bao nhiêu, và ngành nghề nào là nhiều.
Ở đây cũng phải nói thêm một chút, đã là khoa học thì phải có con số. Người làm khoa học khác nhà chính trị, nhà khoa học thường dùng tính từ, đặc biệt là tính từ chỉ số lượng; còn nhà chính trị thường hay dùng trạng từ để tăng thêm sự quan trọng trong câu nói.
Tôi làm việc trong lĩnh vực CNTT & TT, một lĩnh vực có thể xếp vào khối khoa học kỹ thuật; số lượng tiến sĩ không có nhiều, như ở TP.HCM khoảng vài năm mới nghe có được một người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Với số lượng hiện nay, đôi khi chưa đủ để thực hiện những dự án có quy mô, tầm vóc lớn. Còn về chuyện nhà khoa học VN không được đánh giá cao so với khu vực và thế giới; điều này có thể đúng bởi theo tôi có một vài lý do sau đây:
Thứ nhất, nhà khoa học VN ít có điều kiện giao lưu, hợp tác. Nguồn kinh phí dành cho họ không đủ để có thể ra nước ngoài hội họp đã tác động đến điều đó.
Thứ hai, cũng do nguồn kinh phí hạn hẹp, họ không dám công bố công trình trên những tạp chí có uy tín, bởi lệ phí công bố cũng không phải ít. Từ đó, tiếng vang của họ không lớn,mà khi không có tiếng vang, không có tên tuổi thì làm sao được đánh giá cao.
Ngoài ra, ngân sách chi cho khoa học và công nghệ hằng năm của VN cũng quá ít ỏi. Chẳng hạn, năm 2010 VN chi cho khoa học công nghệ khoàng 1 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó thủ tướng viết trong Tạp chí Phát triển Công nghệ cao, số 01/2013, trang 4: "... Hàn Quốc, Pháp chi cho khoa học công nghệ 2 năm bằng ta chi gần 100 năm!...".
Vì vậy, một nhà khoa học VN được đánh giá cao hơn 1/50 nhà khoa học Hàn Quốc cũng là đáng tự hào. Việc thu hồi bằng cấp và danh hiệu khi 3 năm không có phát minh được công nhận. Đây là cũng là một điều thú vị, nhưng khó có thể thực hiện, nên tính khả thi không cao.
Giả sử, một nhà khoa học có học vị tiến sĩ vì lý do sức khỏe, 3 năm họ không thể làm việc. Chẳng lẽ Nhà nước lại thu hồi bằng tiến sĩ của họ. Hay một giáo sư tiến sỉ đã già, làm sao trong 3 năm họ có thể có được phát minh được công bố. Nhà nước lại thu hồi học hàm học vị của họ sao. Tính nhân văn nhân bản không còn nữa.
Và giả sử nếu có chuyện thu hồi, thì cách gì để thực hiện. Nhà nước phải có một bộ phận để chọn lọc. Ai làm việc này, và làm như thế nào. Không khéo lại dẫn đến một tiêu cực mới, đó là việc chạy chọt để tránh bị thu hồi danh hiệu, học vị.
* PGS. TS NGÔ MINH OANH: Vấn đề mà bác đưa ra cũng là vấn đề trăn trở của các cơ quan quản lý khoa học và các nhà nghiên cứu. Trong thực tế, sản phẩm nghiên cứu khoa học của chúng ta chưa được đánh giá cao và chưa có những công trình mang tầm cỡ quốc tế. Có một thực tế là để có được những phát minh thì không hề đơn giản, cần phải có những điều kiện để đảm bảo cho những ý tưởng trở thành hiện thực.
Hiện nay chúng ta đang gặp phải những rào cản về tài chính và cơ sở vật chất cho việc nghiên cứu khoa học. Nói như vậy không có nghĩa là trách nhiệm thuộc về những nhà nghiên cứu khoa học, vì vậy cần phải có một cơ chế và chính sách để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nhất là những nghiên cứu lớn mang tầm quốc tế và khu vực.
Còn việc thu hồi bằng cấp và danh hiệu cũng là một vấn đề lớn cần phải có nghiên cứu thật cẩn thận về tiềm lực đội ngũ các nhà khoa học, những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu... từ đó tìm ra những nguyên nhân để có những chính sách và biện pháp khắc phục cho phù hợp.
Chúng ta hy vọng trong thời gian tới sẽ có những đề tài mang tầm cỡ khu vực và thế giới.
*Thưa thầy cô, theo em được biết, việc nghiên cứu khoa học là việc được nhà trường rất quan tâm. Tuy nhiên, phải làm như thế nào mới có thể trở thành 1 nhà nghiên cứu khi chỉ là 1 sinh viên bình thường.  Và việc nghiên cứu khoa học có nhất thiết phải có thầy cô hướng dẫn hay không, hay em có thể tự mình thực hiện những ý tưởng của mình? (tuonganlotus@...)
PGS. TS Ngô Minh Oanh: Nghiên cứu khoa học là một công việc rất khó khăn bởi sản phẩm của các đề tài khoa học phải là những kết quả mới, có thể mới về nội dung hoặc mới về phương pháp, hoặc trong một đề tài chỉ có một phần mới. Tóm lại khi hoàn thành một đề tài thì nhà nghiên cứu phải có một đóng góp nhất định nào đó vào khoa học và thực tiễn.
Bạn muốn trở thành một nhà nghiên cứu, dù bạn đang là một sinh viên nhưng nếu có nhiều ý tưởng và có những đề tài nghiên cứu có kết quả thì bạn đã là một nhà nghiên cứu khoa học rồi đấy.
Việc có người hướng dẫn trong nghiên cứu khoa học cũng giống như có người hướng dẫn tập bơi cho một người chưa biết bơi hoặc biết bơi nhưng chưa thành thạo. Vì thế cần phải có người hướng dẫn khi sinh viên chưa có hiểu biết và kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Nếu bạn cảm thấy mình có đầy đủ những hiểu biết và kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học thì bạn có thể tự mình thực hiện những ý tưởng nghiên cứu của mình.
* Thưa quý thầy cô, em là sinh viên năm 2 và em đang có ý tưởng về một đề tài, nhưng em không biết mình cần làm như thế nào để có thể thực hiện được ý tưởng của mình
Kính nhờ quý thầy cô giúp em. Em xin cảm ơn.
(ocnhonhonha@...)
PGS. TS NGÔ MINH OANH: Bạn mới là sinh viên năm 2 mà có ý tưởng trong việc nghiên cứu đề tài khoa học là một việc rất đáng khuyến khích. Bạn muốn biết về tiến trình tiến hành một đề tài nghiên cứu khoa học. Bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Thứ nhất, bạn phải trả lời các câu hỏi "Đề tài này có mới không? Có thiết thực không? Những điều kiện thực hiện đề tài đó như: tư liệu, tài chính, năng lực nghiên cứu của bản thân như thế nào?" Khi trả lời được những câu hỏi đó thì bạn có thể tiến hành thực hiện đề tài.
- Thứ hai, bạn phải xác định tên đề tài, làm sao trong tên đề tài thể hiện sự chính xác, chặt chẽ, toát lên được nội dung và phạm vi nghiên cứu (thời gian, không gian, giới hạn nội dung,...) Sau khi xác định tên đề tài, bạn lập đề cương nghiên cứu như: đề tài nghiên cứu nội dung gì? Có bao nhiêu phần? Trong mỗi phần có những ý nào? ... Sau đó bạn tiến hành sưu tầm và tập hợp tư liệu, điều tra thực tế, phỏng vấn,.. (nguồn tư liệu có thể tìm ở các thư viện, các trung tâm lưu trữ, báo và tạp chí chuyên ngành, ở các website,...)
- Thứ ba, sau khi xong công tác tư liệu, bạn lập đề cương chi tiết và bắt tay vào viết đề tài. Đây là quá trình biến ý tưởng nghiên cứu thành hiện thực, do đó người nghiên cứu cần phải xử lý và chọn lọc tư liệu thật chuẩn xác, có khả năng khái quát và trình bày đề tài với văn phong khoa học chính xác.
- Thứ tư, về mặt hình thức cũng cần theo những quy định chung về nghiên cứu khoa học. Tùy theo các dạng đề tài mà có những quy định khác nhau về quy cách trình bày. Bạn lưu ý, những tư liệu tham khảo từ người khác thì phải chú thích rõ ràng. Phần tài liệu tham khảo và phụ lục cũng cần phải trình bày đúng quy định.
Chúc bạn thành công!
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành - Phó Ban Khoa học và Công nghệ - ĐHQG TP.HCM: Xin chào bạn, rất vui được trả lời những thắc mắc của bạn.
Theo tôi, trước tiên bạn nên tìm kiếm thông tin về ý tưởng của bạn trên internet và đề xuất một số giải pháp theo bạn là khả thi nhất. Sau đó, để có thể thực hiện ý tưởng của mình, bạn cần trao đổi với các thầy cô có hướng nghiên cứu tương đồng với ý tưởng của bạn để giúp bạn trong việc định hướng các nghiên cứu cụ thể và hiện thực hóa ý tưởng của bạn.
Chúc bạn thành công trong hướng nghiên cứu của mình.
* Em xin chào thầy cô, em hiện đang là sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, em có một thắc mắc, kính nhờ thầy cô giải đáp giúp em. Hiện nay, các đề tài như thế nào mới được ứng dụng vào thực tế, trong khi theo em được biết, hàng năm kinh phí để thực hiện các đề tài khoa học là rất nhiều. Liệu rằng, việc nghiên cứu và việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu đó cần được thực hiện song song, để vừa có thể đánh giá được hiệu quả nghiên cứu, vừa tiết kiệm chi phí nghiên cứu? minh@...
- KS. Tô Thị Nhã Trầm - Giảng viên Trường ĐH Nông Lâm: Hàng năm kinh phí dành cho việc thực hiện nghiên cứu đề tài cơ sở và đề tài sinh viên đều được Bộ GD- ĐT và trường quy định.
Hiện nay đã có rất nhiều đề tài của sinh viên và giáo viên được thực hiện và cũng đã có nhiều đề tài đoạt nhiều giải thưởng trong nghiên cứu khoa học như Giải thưởng Eureka, Lương Định Của, Quả Cầu Vàng, Sáng tạo Khoa học trẻ do Thành Đoàn tổ chức. Trong đó, đã có nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tiễn cũng như thương mãi hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Một ví dụ cụ thể: Đề tài: "Khảo sát ảnh hưởng của các chất điều hòa sinh trưởng và các chế độ tưới đến sự sinh trưởng và phát triển của cây tiêu ngoài vườn ươm" đề tài đoạt giải nhất Eureka năm 2007 và hiện nay đã ứng dụng rất rộng rãi trong vi nhân giống tạo cây tiêu sạch bệnh trong phòng thí nghiệm và ứng dụng thực tiễn thông qua các đề tài và dự án cấp tỉnh (Đề tài Sở Khoa học Công nghệ Gia Lai) nhằm đưa ra các giống tiêu sạch bệnh và phát triển với quy mô lớn.
Tuy nhiên, cũng có một số đề tài đã đoạt giải cũng như được đánh giá cao nhưng vì một lý do nào đó hiện vẫn chưa được ứng dụng, một trong những lý do chính đáng nhất vẫn là chưa có nhà đầu tư để thương mại hóa cũng như phát triển sản phẩm nghiên cứu. Hơn thế nữa, một số đề tài nghiên cứu chỉ là bước cơ bản, làm cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng sau này.
- ThS. Đoàn Kim Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ
Một đề tài nghiên cứu khoa học thông thường sẽ đáp ứng nhiều mục tiêu. Trong đó có mục tiêu ứng dụng. Các bạn cũng biết rằng không thể có một nhà khoa học hàng đầu nếu không bắt đầu những bước đi đầu tiên bằng những nghiên cứu có thể là đơn giản nhất. Như vậy mỗi đề tài được thực hiện là đã hỗ trợ cho một đội ngũ các nhà nghiên cứu có thêm kinh nghiệm và kiến thức và Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học - Euréka và Chương trình Vườn Ươm sáng tạo khoa học Công nghệ trẻ là những bước đi ban đầu giúp các bạn trẻ tiếp cận về nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu có thể để trả lời một câu hỏi nào đó mà khoa học đặt ra, các bạn thấy có rất nhiều các đề tài ở lĩnh vực tự nhiên như toán học, lý, hóa, sinh hay lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn có thể không ứng dụng vào thực tiễn được những trả lời được một vấn đề nào đó trong khoa học và từ đó hỗ trợ cho các nghiên cứu mang tính ứng dụng khác được triển khai thực hiện.
Nghiên cứu để ứng dụng thực tiễn đây là những đề tài mà mục tiêu là giải quyết một bài toán đang đặt ra trong thực tiễn. Như vậy bạn sẽ thấy không phải lúc nào làm đề tài nghiên cứu khoa học cũng yêu cầu phải ứng dụng ngay vào thực tiễn mà chúng ta còn phải xem mục tiêu nghiên cứu.
Đối với một nước đang phát triển của chúng ta thì nghiên cứu mang tính ứng dụng là rất cần thiết để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên cũng cần phải quan tâm đến nghiên cứu cơ bản và vấn đề đào tạo nghiên cứu các nhà khoa học tương lai.
* Khi tôi có ý tưởng và muốn chia sẻ với mọi người thì lại bị coi thường! Làm thế nào để ý tưởng của mình có thể trở thành một đề tài khoa học được tôn trọng và hổ trợ để ứng dụng thực tế? (motbandoc@...)
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành: Xin chào bạn. Trước tiên, tôi xin được chia sẻ tâm trạng của bạn về vấn đề nêu trên.
Trong bối cảnh hiện nay, nền khoa học công nghệ của chúng ta chưa thật sự được tín nhiệm, nên thông thường các ý tưởng mới không nhận được nhiều sự ủng hộ và điều này thật sự là không tốt.
Từ đó, để nhận được sự tôn trọng và hỗ trợ kịp thời cho các hướng nghiên cứu của mình, bạn cần minh chứng được ý tưởng của mình, và không đơn thuần dừng lại ở ý tưởng mà bạn cần có những nhóm giải pháp khả thi, có cơ sở khoa học thuyết phục và tin cậy.
Để được như vậy, bạn nên có Thầy Cô hướng dẫn và giúp hiện thực hóa ý tưởng của bạn. Bạn có thể tham khảo thêm ở những câu hỏi liên quan ở trên nhé!
* HIện, em đang học khoa điện tử viễn thông. Hiện, đã có quy định về mức phí hay quy chế nào chưa ạ? Khi sử dụng phòng thí nghiệm có cần sự giới thiệu, xét duyệt gì không ạ? (sinhvien@...)
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành: Chào bạn! Thông thường, các phòng thí nghiệm sẽ có những qui chế và qui định riêng tùy theo đặc thù của mỗi lĩnh vực, và để tham gia, sử dụng phòng thí nghiệm, bạn cần nhận được sự chấp thuận của người quản lý phòng thí nghiệm nhé.
Trong một số trường hợp, nếu được thầy cô hướng dẫn giới thiệu đến thực tập, thực hành thí nghiệm tại phòng thí nghiệm, thì sẽ thuận lợi hơn cho bạn trong việc nhận được sự đồng ý và chấp thuận của người quản lý phòng thí nghiệm. Tùy thuộc vào mức độ sử dụng các trang thiết bị, các vật tư của phòng thí nghiệm, thì bạn sẽ đóng những khoảng phí phù hợp.
Trách nhiệm của Ban tổ chức đối với những người đoạt giải Eureka như thế nào? Sao không có một sân chơi nào cho họ? (Tôi cũng đã từng nhận Huy chương tuổi trẻ sáng tạo khoa học do TW Đoàn) (Võ Đình Tấn, 33 tuổi, Nitytav@...)
ThS. Đoàn Kim Thành: Chào bạn Võ Đình Tấn, rất vui gặp lại những bạn đã từng tham gia các hoạt động sáng tạo và giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka. Mục tiêu lớn nhất mà Thành Đoàn và Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka là tạo được phong trào và niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên trên địa bàn thành phố.
Có thể nói sau 15 năm tổ chức mục tiêu này đã đi đúng hướng khi những ngày đầu chỉ có hơn 116 đề tài của 156 sinh viên tham gia thì đến nay (2013) có 516 đề tài của 1.106 sinh viên đến từ 34 trường đại học, cao đẳng tham gia giải thưởng cấp thành được tuyển chọn từ hàng ngàn đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.
Trên cơ sở những công trình đề tài xuất sắc có tính ứng dụng cao, Ban tổ chức sẽ liên hệ với các tổ chức, cá nhân để tiếp tục chuyển giao hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện. Đối với những công trình có khả năng tiếp tục nghiên cứu mở rộng BTC hỗ trợ giới thiệu tham gia chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học và Công nghệ trẻ do Thành Đoàn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành Phố với kinh phí hỗ trợ nghiên cứu lên tới 95 triệu đồng/đề tài.
Ngoài ra, những công trình tham gia Euréka có thể tiếp tục tham gia Giải thưởng Sáng tạo khoa học Kỹ thuật thành phố; Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên - Quả Cầu Vàng; Cuộc thi sáng tạo Thanh Thiếu Nhi Thành phố; Tham gia Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo...
Để tham gia các sân chơi này các bạn có thể cập nhật thông tin từ Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, website: khoahoctre.com.vn
* Qua các môn thực tập ở trường em nghĩ mình rất thích nghiên cứu. Nhưng em đang học ở trường ĐH không chú trọng phát triển về chuyên ngành này, làm sao em có thể tìm được 1 người hướng dẫn, 1 nhóm nghiên cứu cùng chí hướng khi điều kiện không thuận lợi (Phạm Minh Tường Vi, 20 tuổi, nnl0501@yahoo...)
ThS. Đoàn Kim Thành: Chào bạn Ngọc Lễ. Theo tôi được biết, hầu hết ở các Trường đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố đều có quỹ nghiên cứu khoa học cho sinh viên nhằm hỗ trợ cho các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học.
Vì vậy, trước hết bạn hãy liên hệ với phòng quản lý khoa học của trường để tìm hiểu các chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Ngoài ra các bạn có thể đăng ký tham gia Chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học và Công nghệ Trẻ dành cho đối tượng là sinh viên, giảng viên trí thức trẻ từ 35 tuổi trở xuống do Thành Đoàn và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phối hợp tổ chức có hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu.
* Thưa thầy cô, tại sao các bộ môn khoa học ở Việt Nam, nhất là thiên văn học, lại không được coi trọng mấy? Có cách nào để mọi người chú tâm vào các bộ môn khoa học này hơn không? Và có cách nào để trở thành một nhà thiên văn học mà không thông qua sự chỉ dạy của trường lớp không ạ? (Nguyễn Thị Trang, 17 tuổi, trang1x@yahoo...)
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành: Thiên văn học là một ngành khoa học đặc thù và trong điều kiện hiện nay của Việt Nam là chưa phù hợp để phát triển ngành nghề này.
Nếu bạn có đam mê thật sự, hãy học thật giỏi và nhận được học bổng du học ở các nước tiên tiến và phát triển mạnh ngành thiên văn học như Mỹ bạn nhé.
Nếu chỉ là sở thích, bạn có thể tìm được nhiều thông tin về thiên văn thông qua các internet và các trang mạng như www.nasa.gov.
* Số lượng các công trình nghiên cứu khoa học hàng năm ở các trường đại học của Việt Nam thường thấp hơn so với các nước trong khu vực. Phải chăng chúng ta chưa chú trọng lắm vấn đề này hay chúng ta chưa có định hướng đúng đắn trong cách thức làm nghiên cứu khoa học? (Hoài Ân, 23 tuổi, hoaiantiengiang@...)
PGS. TS Ngô Minh Oanh: Thực tế, số lượng các bài báo khoa học của các giảng viên các trường đại học không ít. Nếu có ít chăng là số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế.
Các trường đại học, Bộ giáo dục đào tạo đã rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học nhưng do nhiều lý do nên số bài báo khoa học được đăng ở các tạp chí có uy tín khu vực và thế giới còn ít.
Nguyên nhân là do những điều kiện cho hoạt động khoa học còn hạn chế và sự nỗ lực của các giảng viên, các nhà nghiên cứu chưa cao.
* Ban tổ chức Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học có thể cho tôi biết, hiện nay, có rất nhiều đề tài được thực hiện, đặt biệt là đề tài sinh viên, vậy với số lượng rất nhiều đề tài nghiên cứu đó, có bao nhiêu đề tài được triển khai ứng dụng vào thực tế? Và liệu những đề tài nghiên cứu của sinh viên có thực sự ứng dụng hay không? (Bạch Ngọc Trúc Thanh, 20 tuổi, bach.thanh357@gmail.com)
ThS. Đoàn Kim Thành: Chào bạn Trúc Thanh, có thể nói qua 15 năm tổ chức giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka đã có hàng ngàn đề tài nghiên cứu khoa học đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn các bạn sinh viên tiếp cận và thắp lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học.
Trong đó, có nhiều anh chị đã trưởng thành từ giải thưởng trở thành các nhà khoa học trẻ, các tiến sĩ trẻ, các giảng viên trẻ đó là những thành công lớn nhất của giải thưởng.
Trong số những công trình khoa học của sinh viên, hàng năm ban tổ chức giải thưởng cũng chuyển giao hơn hơn 10 đề tài có khả năng ứng dụng, cụ thể trong buổi sáng sáng nay tại Nhà văn hóa Thanh niên đã diễn ra lễ Khai mạc Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo thành phố và đã có 4 công trình nghiên cứu của các bạn sinh viên được chuyển giao, thông qua Liên hoan ban tổ chức sẽ tiếp tục phát hiện những mô hình sản phẩm sáng tạo để tiếp tục chuyển giao trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế rằng đối với các công trình nghiên cứu của sinh viên việc ứng dụng vào thực tế là nội dung khuyến khích chứ không nên đòi hỏi mang tính yêu cầu.
Cần phải có trong các đề tài bởi lẽ những cái hạn chế mang tính khách quan như: thời gian thực hiện nghiên cứu và học tập; nguồn lực để hỗ trợ nghiên cứu; trình độ chuyên môn và phương pháp nghiên cứu vẫn chưa hoàn thiện mặc dù có thể có nhiều ý tưởng hay. Do đó, chúng ta trân trọng và phát huy những công trình có khả năng ứng dụng nhưng quan trọng hơn là thắp lửa cho các thế hệ hệ sinh viên đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học.
* Hiện nay đa số các đề tài nghiên cứu đều đặt yêu cầu "kết quả thực tế, ứng dụng được" mà không chú trọng đến các nghiên cứu 'cơ bản có giá trị khoa học' làm nền tảng để có các ứng dụng về sau. Cho tôi hỏi các nghiên cứu "chưa tạo ra các sản phẩm ứng dụng tức thời" có còn được quan tâm trong thời điểm hiện nay ở nước ta. (Lê Hồng Thủy Tiên, 29 tuổi, lehongthuytien@...)
- PGS.TS Trần Văn Lăng: Chào bạn Thủy Tiên, đây cũng là một câu hỏi thú vị, đôi khi lại ngược dòng với những suy nghĩ chung của xã hội. Có phải Thủy Tiên đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản không.
Với tư cách của một người làm việc trong một viện nghiên cứu khoa học hơn 31 năm nay, lại có thêm công việc là quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học. Tôi xin khẳng định với Thủy Tiên, không có việc thiên lệch giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Mấy năm nay, Nhà nước có Quỹ NAFOSTED rất lớn dành cho những nghiên cứu cơ bản. Mọi người quan tâm hãy tìm vào trang web tương ứng có thể đăng ký đề tài nghiên cứu của mình.
Một vấn đề tôi muốn trao đổi thêm; thứ nhất đó là khái niệm "kết quả thực tế", "ứng dụng được". Một đề tài để được chấp nhận, điều kiện tối thiểu đó là yếu tố phải xuất phát từ thực tế ngành nghề. Nếu không sẽ trở thành một đề tài ngớ ngẩn. Thậm chí như Giải Nobel ngớ ngẩn cũng chỉ được trao cho những công trình không ngớ ngẩn; bởi tiêu chí của họ là đề tài khi mới nghe, thì cảm thấy nực cười; nhưng người nghe nhanh chóng suy nghĩ lại.
Thứ hai, xã hội chúng ta cũng cần phân biệt thế nào là một đề tài, thế nào là một dự án sản xuất thử nghiệm. Một đề tài khoa học được thực hiện để trả lời câu hỏi mang tính học thuật, giải quyết một vấn đề thực tiễn hoạt động khoa học đặt ra; có thể chưa để ý đến việc ứng dụng trong thực tế.
Nhưng một dự án phải được thực hiện nhằm mục đích ứng dụng;có xác định hiệu quả về kinh tế xã hội; phải có tính ứng dụng cao, có ràng buộc thời gian và nguồn lực.
Chính vì vậy, đôi khi những đề tài nghiên cứu cơ bản thường rất lâu mới có ứng dụng. Chẳng hạn, giải Novel Y học trao cho 2 nhà khoa học Anh, Nhật về việc khám phá ra rằng những tế báo trưởng thành có thể lập trình lại để trở thành đa năng.
Những công việc này được Ông Gordon thực hiện rất lâu, rồi 30 năm sau Ông Yamanaka kiểm chứng. Cuối cùng đến năm 2012 hai ông này được nhận giải Nobel về công trình nói trên.
Hoặc Giải Nobel Vật Lý 2013, năm 1964 Ông Peter Higgs (người Anh) đã nãy ra một ý tưởng lớn - một cách lý giải vì sao vật chất trong vũ trụ có khối lượng, vài tuần sau, Ông Francois Englert (người Bỉ) cũng xuất bản độc lập một lý thuyết tương tự. Họ phỏng đoán có một loại hạt làm công việc này. Mãi đến năm 2012 (48 năm sau) Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhận Châu Âu chứng minh có tồn tại hạt này - gọi là hạt Higgs.
Những lý giải trên cho thấy không những ở VN mà trên thế giới người ta vẫn quan tâm đến các đề tài chưa có ứng dụng tức thời. Vì vậy, nếu Thủy Tiên có ý tưởng, hãy cố gắng bảo vệ ý tưởng của mình thông qua việc đăng ký đề tài theo nhiều nguồn, và nhiều cách khác nhau.
Đất nước rất cần những nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của ngành nghề của mình. Tuy nhiên, khi đưa ra đề tài để được chấp nhận, chúng ta cần phải có phương pháp và giải pháp thực hiện đúng đắn, khả thi (không những chỉ đưa ra giải Pháp mà còn có thể đưa ra cả giải Anh, giải Mỹ, thậm chí cả giải Seagame, ...).
Chúc Thủy Tiên có được nhiều công trình nghiên cứu cơ bản hữu ích.
* Hiện nay một số bạn sinh viên nghĩ rằng "Chỉ cần học tốt, điểm thật cao, ra trường có thể xin được việc nhờ tấm bằng loại giỏi vì cũng không cần làm việc gì liên quan đến ngành nghề đã học. Nghiên cứu khoa học vừa cực vừa nghèo, mất thời gian có khi lại ảnh hưởng đến kết quả học tập". Cần nói gì với các em sinh viên này để khơi gợi sự thích thú nghiên cứu khoa học và có cần thiết phải làm điều này không hay chúng ta chỉ cần khơi gợi cho những em đã có sẵn niềm thích thú nghiên cứu(Lê Hồng Thủy Tiên, 29 tuổi, lehongthuytien@...)
PGS. TS Ngô Minh Oanh: Đây là một quan niệm hoàn toàn không đúng. Người có quan điểm này không hiểu rõ được thực chất của quá trình học tập ở đại học. Có thể khẳng định rằng quá trình học tập của sinh viên trong trường đại học là một quá trình học - nghiên cứu.
Trong quá trình học tại đại học, giảng viên thường cung cấp cho sinh viên những nội dung kiến thức phong phú với nhiều quan điểm, trường phái khác nhau, nhiều vấn đề đã và đang được giải quyết thông qua các hình thức: tự nghiên cứu, thảo luận nhóm,... để đi đến những kết luận khoa học. Vì thế nếu sinh viên không thực hiện các nghiên cứu khoa học thì chắc chắn sẽ không có kết quả học tập tốt được.
Ý thứ hai, thời gian ngồi trên ghế giảng đường chỉ từ 4 - 6 năm, những kiến thức mà trường đại học trang bị cho sinh viên là những kiến thức cơ bản nhất. Nhưng kiến thức đó thường xuyên được đổi mới, cập nhật mà nếu sinh viên không có khả năng tự học, tự nghiên cứu thì sau khi rời ghế nhà trường không thể tự nâng cao trình độ được. Mà những khả năng đó phải được trang bị ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Nếu bạn thực sự yêu ngành nghề của mình đã chọn, khao khát mở rộng những kiến thức chuyên ngành đề trở thành một nhà chuyên môn giỏi thì chắc chắn bạn sẽ có được niềm say mê nghiên cứu khoa học.
Thân ái! Chúc bạn thành công!
* Hiện nay một số bạn sinh viên nghĩ rằng "Chỉ cần học tốt, điểm thật cao, ra trường có thể xin được việc nhờ tấm bằng loại giỏi vì cũng không cần làm việc gì liên quan đến ngành nghề đã học. Nghiên cứu khoa học vừa cực vừa nghèo, mất thời gian có khi lại ảnh hưởng đến kết quả học tập". Cần nói gì với các em sinh viên này để khơi gợi sự thích thú nghiên cứu khoa học và có cần thiết phải làm điều này không hay chúng ta chỉ cần khơi gợi cho những em đã có sẵn niềm thích thú nghiên cứu (Lê Hồng Thủy Tiên, 29 tuổi, lehongthuytien@....)
- KS. Tô Thị Nhã Trầm: Ý nghĩ: "Chỉ cần học tốt, điểm thật cao, ra trường có thể xin được việc nhờ tấm bằng loại giỏi vì cũng không cần làm việc gì liên quan đến ngành nghề đã học. Nghiên cứu khoa học vừa cực vừa nghèo, mất thời gian có khi lại ảnh hưởng đến kết quả học tập".
Một số ý kiến cũng như gợi ý gửi đến các bạn sinh viên như sau: Học là điều kiện cần nhưng chưa đủ, ở đây tôi muốn nhắn nhủ với các bạn rằng nếu khi cầm trên tay tấm bằng giỏi đi xin việc có thể nói là đúng chuyên môn nhưng kinh nghiệm thực tế, khả năng ứng xử cũng như giao tiếp không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng mà ngược lại có bạn học với bằng trung bình khá vẫn tìm được công việc mong muốn và đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Các bạn nghĩ sao về điều này?
Đơn giản là các bạn đã có trải nghiệm thực tế thông qua nghiên cứu khoa học, thực hành thực tập và hơn thế nữa đã có nhiều va chạm cũng như tiếp cận với các nhà tuyển dụng thông qua các hội thảo, các buổi tọa đàm, giao lưu gặp gỡ với các nhà tuyển dụng doanh nghiệp, qua đó có thể học hỏi được những kỹ năng thực hành xã hội, khả năng xử lý tình huống cũng như nhu cầu xã hội để có hướng đầu tư hợp lý.
Ngoài ra, một điều muốn gửi gắm đến các bạn là Nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ ý tưởng khoa học có thể nói là một trong những đường hướng mà các bạn có thể tiếp cận, học hỏi những kiến thức chuyên ngành, xã hội, những kỹ năng cũng như phát huy được tính sáng tạo, khả năng tư duy và tính kiên nhẫn - đó chính là những hành trang thiết thực mà các bạn có thể vững tin bước vào con đường sự nghiệp sau này.
* Hiện nay đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở các trường đại học đều có những mặt không tích cực. Việc làm khóa luận ở một số nơi có xuất hiện lo lót, làm giúp đề tài, giả số liệu. Thưa thầy, thầy cho biết thêm thông tin về những vấn đề này ạ. Em xin cảm ơn (Vu Luan, 25 tuổi, saigonxua75@gmail.com)
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành: Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập giáo dục, chất lượng đào tạo được các trường đại học đặc biệt quan tâm. Các trường đại học hiện nay đều có những nổ lực trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các qui trình tiêu chuẩn ISO, các đánh giá chất lượng đào tạo theo tiêu chuần của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của khu vực (AUN) và của Mỹ (ABET).
Ngoài ra, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất cũng ngày càng cải thiện và hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó một số điều không hay, không tốt về giáo dục và chất lượng, và điều này cần được lên án.
Kính thưa thầy cô, em đã nghe qua rất nhiều về cụm từ Nghiên cứu khoa học, nhưng như thế nào mới gọi là nghiên cứu khoa học, đó có phải là tìm ra cái mới hay không? (Bạch Ngọc Trúc Thanh)
PGS. TS Ngô Minh Oanh: Đúng như bạn nghĩ, nghiên cứu khoa học là một hoạt động của nhà nghiên cứu để tìm ra cái mới phục vụ nhu cầu cuộc sống của con người. Từ "nghiên cứu" là một từ Hán Việt có nghĩa là nghiền ngẫm, suy nghĩ và tra cứu để tìm ra hay là giải quyết một vấn đề nào đó do thực tiễn đặt ra. Nói cách khác, nghiên cứu khoa học là hoạt động tìm ra quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy. Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học thì cũng có những cấp độ khác nhau ví dụ: cái mới đạt được có thể mới về nội dung, nhưng cũng có thể mới về phương pháp.
Đối với trường hợp nghiên cứu của người học thì cũng có thể là nghiên cứu những cái mới đối với bản thân người học mà không mới với kho tàng tri thức của nhân loại. Vì thế, tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể đặt ra những đề tài nghiên cứu cho phù hợp. Nhưng muốn đề tài có giá trị thì nhất thiết là phải có tính mới phục vụ thiết thực cho yêu cầu của cuộc sống.
Chúc bạn thành công!
* Thành Đoàn hiện nay đang có những chủ trương gì dành cho thanh niên có thể phát huy khả năng nghiên cứu khoa học của mình? (Nguyễn Quốc Cường)
ThS. Đoàn Kim Thành: Để tạo môi trường sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ, trong những năm qua Ban Thường vụ Thành Đoàn đã phát động phong trào tuổi trẻ sáng tạo.
Trong thời gian sắp tới Ban Thường vụ Thành Đoàn sẽ triển khai Chương trình "Tuổi trẻ thành phố xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học công nghệ".
Qua đó sẽ triển khai nhiều hoạt động phù hợp cho các bạn trẻ ở những môi trường độ tuổi khác nhau thông qua hệ thống các chương trình, cuộc thi, giải thưởng như: Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi dành cho các bạn trẻ đam mê sáng tạo từ học sinh tiểu học tới sinh viên, Hội thi tin học trẻ thành phố cho các bạn chuyên ngành công nghệ thông tin; Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu Khoa học - Euréka cho các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học; Hội nghị khoa học trẻ thành phố; Chương trình Vườn ươm Sáng tạo khoa học Công nghệ trẻ dành cho các nhà khoa học, giảng viên, trí thức trẻ.
Ngoài ra các bạn có thể tham gia vào Câu lạc bộ Các nhà khoa học trẻ, tham gia chương trình Trí thức Khoa học trẻ tình nguyện để đóng góp tri thức cho hoạt động xã hội.
Với độ tuổi từ 35 tuổi trở xuống, nếu các bạn có những công trình, ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học các bạn hãy chủ động tham gia các hoạt động của Thành Đoàn thông qua Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ.
* Làm thế nào để cụm từ "Nghiên cứu khoa học" gần gũi với học sinh-sinh viên hơn? (Nguyễn Thị Kim Phúc, 21 tuổi, kimphuc92@gmail.com)
KS. Tô Thị Nhã Trầm: Chào bạn! Nếu bạn quan niệm "nghiên cứu khoa học" là phải tìm ra, phát minh ra những cái gì đó mới, những vấn đề chưa được thực hiện, chưa có ai làm ... Đó là quan niệm sai lầm mà các bạn thường mắc phải.
Theo tôi, cụm từ "nghiên cứu khoa học" thật sự không phải là quá xa lạ với học sinh, sinh viên. Đơn thuần là các bạn có ý tưởng (có tính khả thi), có niềm đam mê, có tính ham học hỏi kết hợp với sự định hướng nghiên cứu khoa học của những người đi trước là bạn có thể tiếp cận được cái gọi là "nghiên cứu khoa học"!
* Cơ chế và giải pháp nào để tạo điều kiện cho việc phát triển những nhà khoa học trẻ. Vì họ thực sự là tương lai của khoa học nước nhà. Hiện tại họ không đủ trang trải cho cuộc sống cũng như thiếu thốn về trang thiết bị và hoá chất để nghiên cứu? (Võ Khánh Hưng, 26 tuổi, vokhanhhung@hcmuaf.edu.vn)
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành: Hiện nay, trong năm 2013, Quốc Hội vừa thông qua luật Khoa học Công nghệ (KHCN), và Chính Phủ đang có những nghị định, chương trình cụ thể để thúc đẩy phát triển nền KHCN Việt Nam. Một số đơn vị KHCN lớn, hàng đầu đang đề xuất các chương trình thí điểm về trọng dụng và đãi ngộ nhà khoa học, trong đó có những ưu đãi đặc biệt cho các nhà khoa học trẻ.
Với luật KHCN mới, và các chương trình KHCN thí điểm trong tương lai, các nhà khoa học trẻ sẽ có nhiều điều kiện thật sự thuận lợi để phát huy năng hết lực nghiên cứu khoa học của mình.
Chúc bạn thành công nhé.
* Để biến "ý tưởng" thành "hiện thực" thì cần kinh phí nghiên cứu. Có những kinh phí từ Bộ, nhà nước và Sở KHCN các tỉnh thành. Tuy nhiên, để từ một ý tưởng (đề xuất) thành hiện thực (có kinh phí) thì trung bình cần 1.5 - 2 năm (từ khi đề xuất cho đến có kinh phí trong tay chủ nhiệm đề tài. Như vậy ý tưởng đó có còn mới, có còn cấp thiết và có khi người ta đã làm rồi. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề trên?(Võ Khánh Hưng, 26 tuổi, vokhanhhung@hcmuaf.edu.vn)
ThS. Đoàn Kim Thành: Chào Khánh Hưng, có lẽ câu hỏi này bạn sẽ tìm thấy câu trả lời chính xác hơn từ Bộ Khoa học và Công nghệ vì liên quan đến quy trình quản lý đề tài nghiên cứu khoa học. Đối với Chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ do Thành Đoàn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, hiện tại vẫn theo phương thức quản lý này và thực tế đúng như bạn trao đổi là thời gian kéo giài làm giảm đi tính mới, tính sáng tạo của đề tài đặc biệt là những đề tài của các nhà khoa học trẻ.
Thực tiễn này Ban Chủ nhiệm chương trình Vườn ươm đã nhìn nhận và đang định hướng tìm những cơ chế quản lý phù hợp hơn với đề tài của chương trình Vườn ươm có thể là xây dựng theo hình thức Quỹ nghiên cứu khoa học nghiên cứu thanh niên để tạo điều kiện cho các đề tài tiếp cận nhanh hơn với kinh phí nghiên cứu khoa học.
* Em muốn nghiên cứu khoa học nhưng chưa tìm ra được định hướng, vậy làm thế nào để tìm ra được hướng nghiên cứu hay và có ý nghĩa bởi em chưa có cũng như chưa biết phương pháp tiếp cận?(Nguyễn Thị Kim, 18 tuổi, carem833@...)
KS. Tô Thị Nhã Trầm: Để có những định hướng cũng như là ý tưởng, theo tôi, em nên tham gia các câu lạc bộ học thuật, các nhóm nghiên cứu, tham khảo ý kiến từ các anh chị khóa trên, các thầy cô cố vấn học học tập... từ đó, xác định lĩnh vực cũng như các hướng nghiên cứu mà em cảm thấy yêu thích và đam mê.
Sau đó, em xây dựng cho mình các ý tưởng nghiên cứu, rồi nên trao đổi với các thầy cô có hướng nghiên cứu về chủ đề mà em mong muốn thực hiện để định hướng thêm.
Chúc em học tập tốt!
* Để nghiên cứu khoa học thành công, cần có đam mê, hoài nghi, tìm tòi trong khoa học. Đam mê nghiên cứu khoa học ở giới trẻ theo tôi rất hạn chế. Việc này, trường đại học và các câu lạc bộ khoa học là "chìa khoá" để giải quyết vấn đề này. Theo thầy cô, họ đã làm tốt điều này chưa? Nếu chưa, đâu là giải pháp để cải thiện? (Võ Khánh Hưng, 26 tuổi, vokhanhhung@...)
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành: Trong bối cảnh hiện nay, các trường đại học tập trung chính vào đào tạo, số lượng sinh viên đại học khá đông và công tác nghiên cứu khoa học chưa được đẩy mạnh. Trước tình hình đó, để cải thiện và đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách và các nhóm giải pháp, định hướng phát triển một số trường đại học hàng đầu trở thành các trường đại học định hướng nghiên cứu, tiến đến trở thành đại học nghiên cứu trong tương lai. Đại học nghiên cứu là đại học mà số lượng học viên sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) được đẩy mạnh, giảm số lượng đại học, thầy cô dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động khoa học công nghệ.
Nhìn chung, cần có nhiều giải pháp đồng bộ thì việc phát triển khoa học công nghệ mới hiệu quả và thành công.
* Tại sao ở Việt Nam còn rất ít doanh nghiệp chịu đầu tư vào nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học? Vậy muốn có thể nghiên cứu một vấn đề nào đó thì có thể nhận được đầu tư từ đâu và như thế nào?(Nguyễn Đăng Khánh, 19 tuổi, Ashura121212@gmail.com)
- PGS.TS Từ Diệp Công Thành: Trong bối cảnh Việt Nam, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và chủ yếu đi vào thương mại và dịch vụ nên chưa có những chính sách đầu tư phát triển theo chiều sâu về khoa học công nghệ. Tuy nhiên, Chính Phủ đang dự thảo Nghị định mới về cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực khoa học công nghệ, mà ở đó các doanh nghiệp được tạo điều kiện cho phép thành lập các quỹ khoa học công nghệ để phát triển công ty. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh khoa học công nghệ sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế và vay tiền cho các hoạt động của mình.
Nếu bạn có một vấn đề nghiên cứu, bạn có thể đề xuất đề tài nghiên cứu của bạn đến Sở Khoa học Công nghệ tại Thành Phố (Tỉnh) nơi bạn đang sinh sống để nhận được kinh phí nghiên cứu bạn nhé.
Sắp đến, nếu cơ chế quỹ được thực hiện, các bạn sẽ có được nhiều cơ hội hơn để nhận được kinh phí từ các quỹ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nữa.

 

Chương trình giao lưu là một hoạt động nhân kỷ niệm 15 năm Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka (1999 – 2013) do Ban Thường vụ Thành Đoàn TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM phát động.
Nội dung của buổi giao lưu xoay quanh các vấn đề sau đây:
+ Mục tiêu, ý nghĩa và sự phát triển của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka 15 năm qua.
+ Nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng khoa học cho thanh niên.
+ Kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu khoa học hiệu quả và phát huy kết quả nghiên cứu khoa học, sáng tạo của thanh thiếu nhi vào thực tế.
+ Định hướng phát triển Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka và đẩy mạnh phong trào sáng tạo trẻ trong thanh thiếu nhi Thành phố.

 TUỔI TRẺ ONLINE

Số lần xem trang: 2520
Điều chỉnh lần cuối:

Đọc báo

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng làm quyền hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM (11-01-2021)

Hai nhà khoa học nhận Nobel Hóa học nhờ công nghệ chỉnh sửa gene (09-10-2020)

Nguồn gốc cây dược liệu quý-cây Sâm Ngọc Linh (27-07-2020)

Đi tìm nguồn gốc người Việt qua việc phân tích hệ gen (15-06-2020)

Bác sĩ trắng đêm xét nghiệm nCoV (08-05-2020)

Xin lỗi, công ty chúng tôi không tuyển người có bằng đại học đào tạo từ xa (22-10-2019)

Quản lý sinh viên kiểu… tiểu học (13-10-2019)

Hóa ra con người cũng có khả năng tái sinh cơ thể, nhưng bây giờ các nhà khoa học mới phát hiện ra (13-10-2019)

Toàn cầu hóa tác động đến chuyển dịch lao động trong cộng đồng ASEAN (11-10-2019)

Tìm “long mạch” cho các startup công nghệ Việt (05-09-2019)

Xem thêm ...

Trang liên kết

Toà nhà Viện CNSH & MT

Chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17025:2005 của Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường

Con dấu ISO/IEC 17025:2005

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : ba ba tám hai hai

Xem trả lời của bạn !

logolink