Chẩn đoán dị tật thai nhi từ giai đoạn tiền làm tổ
TTO - Ngày 19-9, GS.BS Nguyễn Đình Tảo - phó giám đốc Trung tâm công nghệ phôi, Học viện Quân Y - cho hay cơ sở đang triển khai nghiên cứu chẩn đoán dị tật thai nhi ở giai đoạn tiền làm tổ của phôi thai.
Siêu âm cho một thai phụ tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ - Ảnh tư liệu |
Theo đó, năm 2015 các bác sĩ đã tiến hành chọc phôi 3-5 ngày tuổi và tiến hành chẩn đoán sớm, phát hiện hai căn bệnh chính là tan máu bẩm sinh và teo cơ tủy ở phôi thai, nhằm lựa chọn phôi thai tốt để chuyển vào tử cung người mẹ.
Theo GS Tảo, trước đây VN chủ yếu tiến hành chẩn đoán dị tật thai nhi ở giai đoạn tiền sản, nếu phát hiện dị tật có thể phải chỉ định đình thai gây đau đớn và bất lợi sức khỏe cho người mẹ.
Việc chẩn đoán được dị tật ở giai đoạn tiền làm tổ giúp lựa chọn các phôi thai tốt, tránh các phôi thai có nguy cơ sinh ra em bé dị tật bẩm sinh ở giai đoạn rất sớm.
Tiến tới, các bác sĩ sẽ nghiên cứu chẩn đoán thêm một số căn bệnh như loạn dưỡng cơ Duchene, bệnh về máu... ở giai đoạn tiền làm tổ phôi thai.
Cũng theo GS Tảo, thống kê mới nhất ở VN tỉ lệ vô sinh là 7,5%, tức 10 cặp vợ chồng có 0,75 cặp có trục trặc về sinh sản. Hiện tỉ lệ thành công nhờ thụ tinh trong ống nghiệm đạt 30-40%, nhưng các gia đình phát hiện có bất thường trước tuổi 35 thì tỉ lệ thành công cao hơn.
GS Tảo cũng cho biết so với các nước trên thế giới, VN thực hiện được nhiều kỹ thuật mới trong hỗ trợ sinh sản, như nuôi cấy tinh tử và tế bào dòng tinh mở đầu ở Học viện Quân y, hiện nhiều đơn vị đã triển khai, thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng của người chồng đã chết gần bốn năm ở Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, chẩn đoán tiền làm tổ...
L.ANH
Số lần xem trang: 2403
Điều chỉnh lần cuối: 21-09-2015