6 kỹ năng vàng cho sinh viên mới
TTO - "Giật" micro khi có dịp, lấy tờ giấy ra viết tên năm nơi mình muốn làm việc, làm gì để lớn rồi mà không bị dụ... Với cách nói chuyện dí dỏm, thạc sĩ Hòa An dẫn sinh viên đến từng kỹ năng.
Các sinh viên thích thú với chia sẻ của thạc sĩ Đào Lê Hòa An - Ảnh: TÂM AN |
Tại một số trường ĐH, CĐ, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học Việt Nam) đã làm các sinh viên vỡ òa khi đưa ra 6 kỹ năng “vàng”.
1. Hết thời ép vào khuôn khổ
Ở cấp III, các bạn đã quen với việc thầy cô vạch sẵn con đường cho các bạn đi, hướng dẫn cặn kẽ, ép các bạn vào khuôn khổ. Tuy nhiên lên đại học lại khác, các bạn được quyền tự do lên kế hoạch và xây dựng chiến lược học tập.
Vì được “tự do” nên các bạn mới nhận ra mình thiếu mất đi chiến lược học tập hiệu quả. Các bạn hãy quên đi suy nghĩ “học đại học giống như đi chơi”, vì kết quả tương lai của bạn quyết định bởi bốn bốn năm học đại học có hiệu quả hay không.
Ở môi trường đại học, các bạn nên lên thời khóa biểu tại nhà, kết hợp giữa hoạt động Đoàn, sinh hoạt ngoại khóa và học tập chính quy. Đại học là môi trường mở, các bạn nên tích cực tham gia các hoạt động phong trào để tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm.
2. Lấy ra tờ giấy, viết tên 5 công ty
Rất nhiều bạn sinh viên lầm tưởng rằng chỉ tới năm tư mới xác định cuộc đời mình sẽ như thế nào. Ở năm cuối, các bạn phải vùi đầu vào bài vở chuyên môn, phải lên kế hoạch bảo vệ luận án... Áp lực nhiều như vậy sẽ khiến rất nhiều bạn “đuối” nếu như không có chiến lược hiệu quả.
Ngay từ năm nhất, các bạn hãy lấy ngay một tờ giấy, viết ra ít nhất năm nơi mình muốn nộp đơn vào làm sau đại học. Sau khi liệt kê ra, hãy tìm kiếm những thông tin về các nơi ấy, đối chiếu với bản thân xem mình còn thiếu cái gì, đầu tư cụ thể, chắc chắn vào những yêu cầu ấy. Đến năm 4, con đường đã xác định rõ ràng, các bạn chỉ việc “nhấn ga” tiến về phía trước.
3. Để cái "ta" lên ngôi
Một đặc điểm hết sức “kỳ cục” của người Việt Nam là thiếu tinh thần làm việc nhóm. Ở kỹ năng này, các bạn cần phải luyện tập cho mình tính kiên nhẫn, sự lắng nghe và tôn trọng người khác.
Ở môi trường đại học, các bạn thường xuyên được chia thành từng nhóm nhỏ để hoàn thành một đề tài nào đó hoặc để tăng cường hiệu quả học tập, đa số bạn sinh viên đều chọn cách học thành nhóm.
Vì vậy trước khi bước chân vào cánh cổng đại học, các bạn nên đánh giá lại bản thân mình, hạ thấp cái “tôi” xuống và hãy để cái “ta” lên ngôi. Một nhóm học tập thành công không yêu cầu các cá nhân đều hoàn hảo, mà yêu cầu sự phối hợp nhẹ nhàng, cái tốt của người này sẽ bù đắp vào cái khuyết của người kia.
Nếu bạn có một quả táo, tôi có một quả táo, mỗi người có một quả táo để ăn. Nhưng nếu tôi có một suy nghĩ, bạn có một suy nghĩ, mỗi người có đến hai suy nghĩ để sử dụng.
4. Hút nguồn năng lượng của người khổng lồ
Càng lớn chúng ta càng tiết kiệm lời nói và chỉ chú ý đến các mối quan hệ đã xây dựng sẵn trong quá khứ, ít chú tâm đi tìm hiểu và mở rộng mối quan hệ. Và chính suy nghĩ này đã tự cô lập các bạn khỏi tập thể, đi đâu cũng chỉ cặp kè với một, hai đứa bạn cấp III.
Hãy tạm thời quên đi những người quen, hãy cởi mở hơn. Trong một tuần đầu học, đặt ra mục tiêu là biết được tên và số điện thoại của lớp trưởng, bí thư và “địa bàn” xung quanh chỗ ngồi của bạn.
Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu bạn bè, các bạn còn phải tận dụng cơ hội như: cắp lap top giùm thầy cô, lấy nước cho thầy cô uống... Và sau đó kết thân với các thầy cô của mình để có thể trao đổi nhiều hơn kinh nghiệm cũng như kiến thức.
Hãy dùng mạng xã hội một cách thông minh, kết nối với các anh chị sinh viên năm trước là thủ khoa, á khoa, hay những người đã thành công trong công việc để “hút” nguồn năng lượng từ họ. Các bạn nên nhớ: cách thành công nhanh nhất là đứng trên vai của người khổng lồ.
5. "Giật" micro mỗi khi có dịp
Có một điều là nỗi ám ảnh lớn nhất của các bạn học sinh chính là thuyết trình trước đám đông. Bạn có còn nhớ những lần bạn có ý tưởng rất hay nhưng cứ giả bộ khều đứa kế bên, kêu nó đứng lên nói thay bạn.
Bạn có nhớ những lúc thầy cô yêu cầu xung phong thuyết trình, bạn thường hay lấy sách vở che mặt mình lại. Hay khi đã “lỡ” thì bước lên trước cả lớp với con tim bị lỗi nhịp, chỉ dám cắm mặt vào giấy, vào sách giáo khoa đọc một tràng từ đầu đến đuôi?
Đã đến lúc bạn bỏ nỗi sợ ấy vào sâu trong tim mình, và hãy tập dần những kỹ năng nói chuyện trước đám đông. Ở giảng đường đại học, các thầy cô thường tập trung cho học sinh tự tổ chức lớp học, tự lên thuyết trình về một đề tài nào đó.
Xa hơn nữa sau này khi ra đời, các bạn phải đối mặt với các cuộc phỏng vấn xin việc, các cuộc họp trình bày ý tưởng…
Vì vậy ngay từ khi còn là sinh viên, hãy tận dụng tất cả mọi cơ hội, giơ tay phát biểu, “giật” micro mỗi khi có dịp để tôi luyện cho bản thân kỹ năng thuyết trình ấn tượng và quyến rũ.
Các bạn hãy bắt đầu làm quen với cái gương ở nhà, tập nói, cười trước gương để xem mình có khuyết điểm gì cần khắc phục, sau đó là nói cho đứa bạn thân, sau nữa là nói cho nhóm học tập, và cuối cùng là tự tin bước lên trước lớp trình bày về phần chuẩn bị của mình.
6. Lớn rồi nhưng có bị... dụ không?
Trở thành sinh viên, các bạn lầm tưởng rằng “mình đã lớn rồi, không ai dụ được mình đâu”. Lớn thì lớn rồi đấy, nhưng có bị dụ không thì phải… coi lại.
Các bạn nên nhớ rằng đối tượng xấu ra tay với các bạn thường là những người đã nghiên cứu rất kỹ, từ tên của giáo viên, bạn thân, thậm chí tên ba mẹ của bạn. Họ quan sát bạn từ rất lâu, xem xét hoạt động thường ngày của bạn, thời khóa biểu của bạn là gì… Nên bạn đừng nghĩ rằng họ chỉ tấn công bạn một cách tình cờ.
Nếu có thời gian, các bạn hãy tham gia các khóa học võ tự vệ, khi ra đường luôn quan sát kỹ trước và sau, hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại, đeo trang sức quý giá, mặc quần áo hở hang để tránh rơi vào tầm ngắm của kẻ xấu.
Khi ra đường, các bạn nên đi tập trung thành từng nhóm nhỏ 3-4 người để chủ động xử lý tình huống. Đặc biệt khi đi xe buýt, hãy “đề cao cảnh giác” bởi những tên “yêu râu xanh” hay kẻ trộm vặt.
Số lần xem trang: 2439
Điều chỉnh lần cuối: