Vien Nghien Cuu Cong Nghe Sinh hoc va Moi Truong - DH Nong Lam TP.HCM, RESEARCH INSTITUTE FOR BIOTECHNOLOGY AND ENVIRONMENT- NONG LAM University

 

08/10/2015 09:13 GMT

TT - Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (NSAC) đã công bố giải Nobel hóa học 2015 thuộc về ba nhà khoa học Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar cho công trình nghiên cứu về cơ chế “sửa chữa ADN” của tế bào.

Nobel hóa học 2015 vinh danh ba nhà khoa học Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar - Ảnh: Nobelprize.ogr
Nobel hóa học 2015 vinh danh ba nhà khoa học Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar - Ảnh: Nobelprize.ogr

Giải thưởng chia đều cho ba người với công trình nghiên cứu về cách các tế bào sửa chữa những lỗi ADN và bảo vệ thông tin di truyền.

Khám phá giúp giới khoa học hiểu rõ về cách hoạt động của tế bào sống và giúp phát triển các cách điều trị ung thư mới, theo công bố của NSAC ngày 7-10.

Ông Tomas Lindahl làm việc tại Viện Francis Crick và phòng nghiên cứu Clare Hall (Anh), ông Paul Modrich là nhà nghiên cứu thuộc Viện y khoa Howard Hughes và Đại học Duke (Mỹ), còn ông Aziz Sancar là giảng viên Đại học Bắc Carolina (Mỹ).

“Thật ngạc nhiên. Tôi biết trong những năm qua có lúc mình được đề cử nhưng vẫn còn hàng trăm ứng viên khác. Tôi cảm thấy rất may mắn và rất tự hào khi được trao giải thưởng hôm nay” - ông Lindahl trả lời qua điện thoại tại buổi công bố giải thưởng.

Suốt quá trình sinh trưởng của con người từ khi còn là bào thai đến lúc trưởng thành, các tế bào phải phân chia hàng tỉ lần và sao chép các thông tin di truyền một cách chính xác. “Về khía cạnh hóa học, điều này là hoàn toàn bất khả thi - hội đồng trao giải Nobel cho biết - Tất cả tiến trình hóa học đều có khuynh hướng xảy ra lỗi ngẫu nhiên”.

ADN của con người bị tàn phá mỗi ngày do tác động của tia cực tím, các gốc tự do cũng như các chất gây ung thư.

“Khói thuốc lá chứa các hóa chất phản ứng, chúng kết dính vào ADN và ngăn nó sao chép chính xác. Và một khi ADN bị tổn hại, điều này có thể gây ra các căn bệnh bao gồm bệnh ung thư” - ông Lindahl giải thích thêm. Chưa kể bản chất phân tử ADN cũng không ổn định với hàng ngàn biến đổi tự phát diễn ra mỗi ngày trong bộ gen của tế bào.

Trước đó vào những năm 1970, các nhà khoa học vẫn tin rằng ADN là những phân tử vô cùng ổn định. Ngoài ra, lỗi cũng có thể xảy ra trong quá trình phân tách tế bào diễn ra hàng triệu lần mỗi ngày trong cơ thể con người.

Tuy nhiên, trong tế bào tồn tại những hệ thống ở cấp độ phân tử luôn theo dõi và sửa chữa các ADN, và ba nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel năm nay đã giúp làm sáng tỏ cơ chế hoạt động của những hệ thống này.

Ông Lindahl đã khám phá cơ chế sửa chữa ngăn ADN bị tan rã, trong khi ông Modrich phát hiện cơ chế sửa lỗi trong quá trình sao chép ADN của tế bào. Ông Sancar khám phá cơ chế sửa chữa cắt bỏ nucleotide nhằm sửa chữa các tổn hại gây ra do tia cực tím. Những người bị lỗi cơ chế này sẽ bị ung thư da nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

“Chúng ta phải hiểu các cơ chế này để đưa ra liệu pháp chữa trị tốt - ông Lindahl phân tích - Chúng ta không thể tránh sự tổn hại trong ADN. Chúng ta đang sống trong thế giới mà con người lúc nào cũng tiếp xúc với các tác nhân gây tổn hại ADN”.

Nhà khoa học Sancar cho rằng các cơ chế này rất quan trọng trong việc điều trị ung thư, vì các thuốc trị ung thư hiện nay đều gây tổn hại đến ADN và vấn đề liệu tế bào ung thư có thể tự sửa chữa hay không có thể ảnh hưởng đến cách điều trị bệnh.

“Việc ngăn tế bào ung thư tự sửa chữa có thể tiêu diệt các tế bào này. Đây là một khái niệm rất thú vị và tôi nghĩ nhiều ngành dược phẩm khác nhau đang xem xét vấn đề này” - giáo sư Claes Gustafsson, thành viên hội đồng trao giải Nobel, giải thích.

Ông ĐẶNG VĂN DƯƠNG (nguyên giám đốc Trung tâm giải phẫu bệnh - Bệnh viện Bạch Mai):

Tạo đột phá cho y học

Về cơ bản, ADN là vật liệu di truyền, quyết định sự tồn tại của bất kỳ loài sinh vật nào trên Trái đất và quyết định đặc tính của từng cá thể.

Thực tế nghiên cứu về ung thư, tìm cách phòng chống lại nó vẫn được coi là vấn đề nan giải của y học. Có nhiều yếu tố gây ung thư, nhưng nếu đi đến cùng thì nguyên do cốt lõi chính là sự thay đổi cấu trúc di truyền, chính là sự thay đổi ADN - vật liệu di truyền.

Lấy ví dụ trong cuộc sống hiện đại, tại sao ở Việt Nam bệnh nhân ung thư lại tăng lên một cách kinh khủng như vậy? Sự thay đổi môi trường, thay đổi lối sống... là căn nguyên làm thay đổi ADN.

Việc các nhà khoa học đoạt giải Nobel hóa học 2015 đã có công trình nghiên cứu lập được bản đồ cấp độ phân tử và giải thích cách thức các tế bào sửa chữa những ADN bị hư hại tạo ra bước đột phá cho y học. Bởi lẽ ngày nay y học đang theo xu thế y học cá thể hóa, “không có bệnh, mà chỉ có người bệnh”.

Khi tiến tới điều trị cụ thể cho từng người thì phải hiểu được sự thay đổi ADN của từng cá thể. Xu hướng điều trị đích hiện nay cũng để thực hiện điều này.

Việc trao giải Nobel hóa học cho các tác giả lần này cho thấy ranh giới của các lĩnh vực khoa học không còn quá rạch ròi. Điều này rất có ý nghĩa khi soi chiếu vào hoạt động nghiên cứu các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nhiều khi các nhà khoa học Việt Nam vẫn có xu hướng tự xếp mình thuộc về một lĩnh vực nghiên cứu riêng và vô tình tự bó hẹp phạm vi nghiên cứu của mình.

Trong khi đó, như chúng ta thấy, chẳng hạn với những nghiên cứu về cơ chế, cách chống lại bệnh ung thư đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu chung chứ không phải của nhà khoa học thuộc lĩnh vực y học, sinh học hay hóa học nữa.

NGỌC HÀ ghi

 
TRẦN PHƯƠNG
 

 

Số lần xem trang: 2466
Điều chỉnh lần cuối:

Đọc báo

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng làm quyền hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM (11-01-2021)

Hai nhà khoa học nhận Nobel Hóa học nhờ công nghệ chỉnh sửa gene (09-10-2020)

Nguồn gốc cây dược liệu quý-cây Sâm Ngọc Linh (27-07-2020)

Đi tìm nguồn gốc người Việt qua việc phân tích hệ gen (15-06-2020)

Bác sĩ trắng đêm xét nghiệm nCoV (08-05-2020)

Xin lỗi, công ty chúng tôi không tuyển người có bằng đại học đào tạo từ xa (22-10-2019)

Quản lý sinh viên kiểu… tiểu học (13-10-2019)

Hóa ra con người cũng có khả năng tái sinh cơ thể, nhưng bây giờ các nhà khoa học mới phát hiện ra (13-10-2019)

Toàn cầu hóa tác động đến chuyển dịch lao động trong cộng đồng ASEAN (11-10-2019)

Tìm “long mạch” cho các startup công nghệ Việt (05-09-2019)

Xem thêm ...

Trang liên kết

Toà nhà Viện CNSH & MT

Chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17025:2005 của Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường

Con dấu ISO/IEC 17025:2005

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bốn hai không bảy

Xem trả lời của bạn !

logolink