Vien Nghien Cuu Cong Nghe Sinh hoc va Moi Truong - DH Nong Lam TP.HCM, RESEARCH INSTITUTE FOR BIOTECHNOLOGY AND ENVIRONMENT- NONG LAM University

 

Ít tiền thì đừng mơ tưởng tới đỉnh cao học vấn

Dân trí Lẽ ra, giáo dục phải là một loại dịch vụ đặc biệt, mang lại cho người dân sự học như một phúc lợi quan trọng và tối cần thiết thì giờ đây, nó là một quan hệ tiền – hàng sòng phẳng, nhiều tiền thì hàng nhiều, ít tiền thì hàng ít, không tiền thì đừng nghĩ đến hàng. Cái lý ấy cho người nghèo thấy rằng, ít tiền thì học ít, kiếm dăm chữ thôi, đừng mơ tưởng tới đỉnh cao học vấn.

Đó là ý kiến của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói về vấn đề Học phí và Học bổng hiện nay.

Dân trí, xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Phạm Tất Dong về vấn đề này.

 

Ảnh minh họa

Giáo dục khai thác việc đóng góp của người học theo cơ chế thị trường

Trong những ngày gần đây, nhiều phóng viên của một số báo có gọi điện cho tôi hỏi về vấn đề tăng học phí – một đề xuất của Ngành giáo dục. Họ hỏi tôi có bình luận gì về vấn đề này để làm phóng sự.

Quả thật, nhiều năm làm công tác khuyến học, khuyến tài, trong đầu tôi chỉ thường trực cụm từ “học bổng” bởi các khái niệm học bổng nằm trong phạm trù “khuyến học”, còn hai chữ “học phí” rất dễ gây “dị ứng” với tôi, khi mà mục tiêu của nó không thuận chiều với việc cấp học bổng cho sinh viên, sinh viên nghèo nhằm giúp các em có thêm điều kiện ăn học, hoặc để động viên các em có thành tích học tập tốt cố gắng hơn nữa.

Giáo dục là một phúc lợi xã hội mà bất cứ người dân nào,từ nghèo đến giàu, đều mong muốn được thụ hưởng càng nhiều càng tốt. Trong chiến lược an sinh xã hội, hầu hết các quốc gia đều đặt vấn đề tăng dần đầu tư cho giáo dục để cho mọi người dân đều được thực hiện nghĩa vụ và các quyền lợi học tập của mình, nhất là khi các quốc gia tham gia vào chương trình xây dựng xã hội học tập, thực hiện việc học tập suốt đời cho mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, thành phần dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, trình độ học vấn…

Ở nước ta, trước Cách mạng tháng Tám (1945), Chương trình Việt Minh cũng ghi rõ, phải có một nền giáo dục cưỡng bức, người đi học không mất tiền. Từ năm 1951, khi tôi trở thành giáo sinh của trường Sư phạm, các thầy, cô giáo giảng giải cho các giáo viên tương lai rằng, nền giáo dục cách mạng là của dân, do dân, vì dân – một nền giáo dục mang lại học vấn cho mọi người, và để làm được công việc tốt đẹp này, người học không mất tiền. Với chúng tôi, nền giáo dục ấy là lý tưởng mà dân ta hướng tới.

Từ sau khi Đảng chủ trương Đổi mới đất nước, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bắt đầu được xây dựng và phát triển. Đồng thời, chủ trương xã hội hóa giáo dục cũng được đưa ra như một giải pháp quan trọng với khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vấn đề phát triển giáo dục được “Tư duy lại” ngày càng “triệt để”.

Nền giáo dục đáng ra là hướng ra thị trường, đào tạo cho nền kinh tế một nguồn nhân lực chất lượng cao để mở rộng thị trường, để hàng hóa Việt Nam có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thì nó lại định hướng vào khai thác việc đóng góp của người học theo cơ chế thị trường.

Lẽ ra, giáo dục phải là một loại dịch vụ đặc biệt, mang lại cho người dân sự học như một phúc lợi quan trọng và tối cần thiết thì giờ đây, nó là một quan hệ tiền – hàng sòng phẳng, nhiều tiền thì hàng nhiều, ít tiền thì hàng ít, không tiền thì đừng nghĩ đến hàng. Cái lý ấy cho người nghèo thấy rằng, ít tiền thì học ít, kiếm dăm chữ thôi, đừng mơ tưởng tới đỉnh cao học vấn.

Học phí vẫn thấp - Nhận định của một vị nhà giàu

Tôi ước mong một nền giáo dục không mất tiền. Một lần, nhân làm với bà Lotta – đại diện của UNICEF tại Việt Nam, câu chuyện lan man đến phúc lợi xã hội. Trong lúc chuyện trò, bà Lotta cho tôi biết bà là người Thụy Điển. Tôi liền nói:

- Thưa bà, không phải bà là người Thụy Điển mà tôi nói Nhà nước phúc lợi Thụy Điển đáng được khâm phục, mặc dù có nhiều bình luận của khá đông học giả nói đến mặt trái của những phúc lợi xã hội trên đất Thụy Điển.

Bà Lotta nói rằng: “Ông quá khen Nhà nước phúc lợi của chúng tôi, tôi xin cảm ơn. Nhưng, tôi cần điều này: tôi đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng ít nơi có được hệ thống giáo dục như ở Thụy Điển - ở đó không có trường tư”.

Tôi không dám bình luận gì và cảm thấy buồn, bởi trường tư ở nước ta đang mọc lên như nấm.

Cũng cần phải nói rằng, tăng học phí thì tất sẽ giảm phúc lợi xã hội về phương diện học tập. Không thể để việc tăng học phí đồng hành với việc với tăng giá sữa, giá vé ô tô, giá xăng dầu, giá điện sinh hoạt, giá lương thực, thực phẩm… Mọi loại phí đồng loạt tăng lên thì phúc lợi học tập lại càng giảm nhanh bởi cơ hội học tập sẽ ít dần.

Có người nói, ở nước ta, mức học phí đã tăng lên như trong quy định, và có tăng hơn thế nữa thì vẫn là rất thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Đây là một nhận định của một vị nhà giàu, đang ngồi trong phòng máy lạnh mà bàn học phí. Mức bình quân GDP tính trên đầu người ở Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada… là bao nhiêu, so với Việt Nam thì liệu có tương đương không đây! Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ không nên trực tiếp đi vào vấn đề cụ thể, mà chỉ cần nói rằng: mức thu nhập của người nghèo ở Việt Nam có nhân lên vài lần thì người nước ngoài vẫn cho rằng, đó là mức thu nhập của người nghèo trên thế giới.

Có người lại bảo, muốn học thì vay tiền nhà nước để đi học; nhà nước có chính sách tín dụng học tập đấy!.

Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP thì học phí tại các trường công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư được tính như sau:

Năm học 2015 – 2016; 2017 – 2018: Khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, Luật, Nông – Lâm – Thủy sản…: 1.750.000 đồng/tháng/sinh viên.

Khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật…: 2.050.000 đồng/tháng/sinh viên.

Khối ngành y: 4.400.000 đồng/tháng/sinh viên.

Năm học 2018 – 2019; 2019 – 2020: Mức học phí tương ứng ở 3 khối ngành trên là: 1.850.000 đồng; 2.200.000 đồng; 4.600.000 đồng

Đến năm 2020 – 2021, con số tương ứng là 2.050.000 đồng; 2.400.000 đồng; 5.050.000 đồng.

Nếu vay Nhà nước để đi học thì khối ngành có học phí thấp nhất, mỗi năm một sinh viên cũng phải nợ Nhà nước trên 20.000.000 đồng. Khi ra trường, kiếm được việc làm, người có bằng đại học được nhận lương khoảng 3.500.000 đồng/tháng (trên thực tế thì không có mức lương “cao” như thế cho người mới tập sự). Còn thất nghiệp thì ăn nhờ bố mẹ, anh chị… Vậy, có tiền để trả nợ không đây?

Đừng bao giờ để học phí chặn những cánh tay đang cố vươn tới các học vấn!

Chúng ta đang trong quá trình phấn đấu xóa đói giảm nghèo. Người Việt chúng ta không chỉ nghèo về thu nhập mà còn nghèo về tri thức cũng như nghèo về điều kiện sống. Trong các cái nghèo cần khắc phục sớm là nghèo tri thức. Thiếu tri thức thì không thể đủ năng lực làm việc để từ đó xóa nghèo thu nhập. Nhưng, khi học phí tăng lên thì cơ hội và điều kiện giảm nghèo tri thức sẽ giảm đi. Đó là một điều mà cả xã hội đều thấy lo ngại.

Những người làm khuyến học luôn trăn trở tìm mọi giải pháp để học sinh và sinh viên nghèo có được học bổng hàng tháng hoặc hàng năm. Suốt nhiều năm qua, mỗi năm Hội Khuyến học Việt Nam đã cố gắng tạo ra trên dưới 3 triệu học bổng (với đủ các giá trị khác nhau của các suất học bổng).

Học bổng do Hội Khuyến học trao cho 1 sinh viên nghèo thường dưới 3.000.000 đồng/suất/năm. Học bổng do Giáo sư Odon Valet (Pháp) trao khoảng 6.500.000 đồng/suất/năm. Các học bổng Hessen, Happel, Thakral.v.v… cũng không quá 7.000.000 đồng/suất/năm. Giả sử sinh viên nghèo có may mắn được học bổng cao nhất thì mang tiền học bổng để đóng học phí sẽ còn thiếu xa. Tóm lại, những nhà hảo tâm, những doanh nhân, những tổ chức nhân đạo… chắc sẽ rất buồn vì mọi khoản trợ giúp sinh viên nghèo đều bị học phí nuốt chửng.

Có mấy phóng viên phỏng vấn tôi:

- Thưa giáo sư, trước chủ trương tăng học phí ở trường đại học, giáo sư có điều gì muốn nói?

Nhiều và rất nhiều những cảm nghĩ gây bức xúc trong tôi. Năm 1988, tại Viện Élisee (Paris - Pháp) có một Hội nghị do Tổng thống Pháp tổ chức, mà khách mời là 74 nhà khoa học được giải thưởng Nobel. Hội nghị có tên rất hay: “Những đe dọa và hứa hẹn trước thế kỷ XXI”. Sau 4 ngày họp, các nhà khoa học gửi tới Chính phủ các quốc gia 16 kết luận của mình, trong đó, có 2 kết luận liên quan trực tiếp tới giáo dục:

Kết luận 7: Giáo dục phải trở thành ưu tiên tuyệt đối trong mọi ngân sách và phải giúp vào việc đề cao mọi khía cạnh sáng tạo của con người.

Kết luận 8: Cần phải làm cho khoa học và kỹ thuật trở thành những thứ có thể với tới, nhất là tại các nước đang phát triển để giúp cho các nước này làm chủ được tương lai và tự quyết được những loại tri thức nào mà họ coi là cần cho sự phát triển của họ.

Tôi nghĩ gì và muốn nói gì?

Vâng, tôi chỉ cầu cho nhiều thanh niên Việt Nam, nhiều người lao động Việt Nam với tới học vấn đại học, với tới những thành quả của khoa học và công nghệ hiện đại, đừng bao giờ để học phí chặn những cánh tay đang cố vươn tới các học vấn đó.

GS.TS Phạm Tất Dong

Số lần xem trang: 2439
Điều chỉnh lần cuối:

Đọc báo

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng làm quyền hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM (11-01-2021)

Hai nhà khoa học nhận Nobel Hóa học nhờ công nghệ chỉnh sửa gene (09-10-2020)

Nguồn gốc cây dược liệu quý-cây Sâm Ngọc Linh (27-07-2020)

Đi tìm nguồn gốc người Việt qua việc phân tích hệ gen (15-06-2020)

Bác sĩ trắng đêm xét nghiệm nCoV (08-05-2020)

Xin lỗi, công ty chúng tôi không tuyển người có bằng đại học đào tạo từ xa (22-10-2019)

Quản lý sinh viên kiểu… tiểu học (13-10-2019)

Hóa ra con người cũng có khả năng tái sinh cơ thể, nhưng bây giờ các nhà khoa học mới phát hiện ra (13-10-2019)

Toàn cầu hóa tác động đến chuyển dịch lao động trong cộng đồng ASEAN (11-10-2019)

Tìm “long mạch” cho các startup công nghệ Việt (05-09-2019)

Xem thêm ...

Trang liên kết

Toà nhà Viện CNSH & MT

Chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17025:2005 của Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường

Con dấu ISO/IEC 17025:2005

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : ba bốn một bảy không

Xem trả lời của bạn !

logolink