CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
NUÔI TRỒNG NẤM ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO Cordyceps militaris
Để đông trùng hạ thảo có thể là nguồn dược liệu tốt, an toàn và đảm bảo chất lượng với giá thành thấp, Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã thành công trong việc xây dựng qui trình nuôi cấy các loài Cordyceps khác nhau ở qui mô phòng thí nghiệm (đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ mã số B2013-12-05), trong đó có Cordyceps militaris. Kết quả nghiên cứu cho thấy các sản phẩm nuôi cấy chứa các hoạt chất sinh học quý hiếm như adenosine, cordycepin, guanosine… với hàm lượng cao và ổn định. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy tính kháng khuẩn và tính kháng oxi hóa khá cao trong các sản phẩm thực nghiệm. Độ độc cấp tính qua đường miệng cao hơn 5000g/kg thể trọng, không có biểu hiện bất thường trên các cơ quan nội tạng và hành vi của chuột thử nghiệm đã khẳng định đây là sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Kết quả của đề tài nghiên cứu là cơ sở cho khả năng nuôi cấy Cordyceps militaris ở qui mô lớn, cung cấp nguồn dược liệu chất lượng ổn địnhcho thị trường. Giá thành hợp lý của sản phẩm sẽ tăng thêm cơ hội sử dụng nguồn dược liệu quý cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng có nguồn thu nhập không cao trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường đã sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật công nghệ nuôi trồng Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris đến các đơn vị, cơ sở có nhu cầu, nhằm hỗ trợ cho việc triển khai nuôi trồng và sản xuất nấm dược liệu đông trùng hạ thảo C. militaris ở qui mô bán công nghiệp, nhân rộng mô hình sản xuất, cung cấp nguồn dược liệu chất lượng cao, ổn định cho thị trường với giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris bao gồm 12 qui trình kỹ thuật từ tuyển chọn, giữ giống, sản xuất giống các cấp, kỹ thuật nuôi trồng, sơ chế, bảo quản, đánh giá chất lượng sản phẩm, kỹ thuật thu hồi các hoạt chất sinh học trong phụ phẩm sau thu hoạch, cho đến kỹ thuật xử lý chất thải sau thu hoạch. Công nghệ được chuyển giao thông qua các lớp tập huấn lý thuyết và thực hành trực tiếp tại cơ sở nghiên cứu đông trùng hạ thảo của Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh.
Số lần xem trang: 2759
Điều chỉnh lần cuối: 08-12-2024