Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh, để ngành công nghệ sinh học tạo ra những sản phẩm có giá trị đặc biệt hơn nữa thì trong thời gian tới, cần đầu tư lớn mới có thể đưa lĩnh vực này phát triển vượt bậc.
Đối với Việt Nam, công nghệ sinh học (CNSH) có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế công nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.
Tại buổi khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành sinh học (BIOTECHMART 2016) diễn ra tại Hà Nội ngày 29.11, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Trần Việt Thanh nhận định: “Công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang theo kịp với trình độ phát triển của các nước trên thế giới. Đây là lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư rất lớn nhưng để tạo ra những sản phẩm có giá trị đặc biệt hơn nữa thì trong thời gian tới, sự đầu tư lớn cho lĩnh vực này là yếu tố cần thiết, quan trọng để đưa CNSH ngày càng phát triển vượt bậc”.
Thứ trưởng Thanh cho biết Bộ KH-CN đang đẩy mạnh vai trò của CNSH, đặc biệt ứng dụng trong nông nghiệp, y học.
Ông Thanh cho biết Bộ KH-CN đã có những chương trình nghiên cứu quốc gia nhằm đẩy mạnh nghiên cứu CNSH; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. Ngoài ra, Bộ KH-CN cũng đang xây dựng báo cáo về quy hoạch, hình thành những trung tâm, tổ chức KH-CN sinh học trong cả nước và hình thành những cơ quan đầu ngành, mạnh để dẫn dắt sự phát triển CNSH của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNSH vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
Được biết, CNSH ở các nước tiên tiến phát triển rất mạnh. Điển hình như Nhật Bản, xem CNSH là một ngành rất quan trọng, các ngành CNSH cũ như lên men, sản xuất enzyme, chất phụ gia sản phẩm và thực phẩm lên men đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công nghiệp suốt thế kỷ qua. Những lĩnh vực sử dụng thành quả của ngành CNSH mới như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe… của Nhật Bản đang phát triển lớn mạnh cùng với 2 ngành đang phát triển nhanh là công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation) và môi trường.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của CNSH trên thế giới, Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định: “Việc học hỏi các nước tiên tiến là điều mà chúng ta rất quan tâm khi Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là KH-CN. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều đề tài hợp tác KH-CN giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc… về CNSH. Ở Nhật Bản đã có những nghiên cứu mà chúng ta tiếp thu được, đặc biệt là CNSH trong y tế, phục vụ sức khỏe con người”.
Được biết Bộ KH-CN đang xây dựng nhiều đề tài nghiên cứu để tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam có sự hợp tác và tiếp thu những kiến thức mới nhất từ những nước tiên tiến trên thế giới.
Về 4 chủ đề bên lề Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành sinh học (BIOTECHMART 2016) nhằm ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực: Y dược, Nông nghiệp, Xử lý ô nhiễm môi trường và các cơ chế chính sách đầu tư, đổi mới công nghệ…, Thứ trưởng Thanh khẳng định: “Đây đều là 4 lĩnh vực quan trọng có sự đóng góp tích cực vào trong sự phát triển kinh tế - xã hội nên Việt Nam vẫn đang dành sự quan tâm đồng đều tới 4 lĩnh vực này khi CNSH đều góp mặt trong cả 4 lĩnh vực”.
Thu Anh
Số lần xem trang: 2399
Điều chỉnh lần cuối: 05-12-2016