Trung tâm Công nghệ Sinh học ứng dụng
NGHIÊN CỨU PHÁT HIỆN BỆNH DO VI-RÚT TRÊN TÔM BẰNG KỸ THUẬT SINH HỌC PHÂN TỬ
Huỳnh Đăng Sang
1. Giới thiệu
Sự phát triển nhanh của nghề nuôi tôm đã đem lại lợi ích đáng kể về mặt kinh tế; với sản lượng năm 2011 là 482,2 nghìn tấn, chiếm 11,6% tổng sản lượng thủy sản toàn quốc (Theo thông tin từ Tổng Cục Thống kê năm 2011). Tuy nhiên, trong những năm gần đây nghề nuôi tôm hiện đang phải đương đầu với nhiều loại bệnh xuất hiện trong quá trình nuôi, nhất là bệnh do vi-rút gây ra như bệnh đốm trắng (White spot syndromes virus - WSSV), hội chứng Taura (Taura syndrome virus - TSV), bệnh đầu vàng (Yellow head virus - YHV), bệnh mang (Gill associated virus - GAV), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (Infectious hypodermal and haematopoietic necrosis virus - IHHNV), bệnh gan tụy (Hepatopanceatic parvovirus - HPV), bệnh còi (Monodon baculovirus - MBV), bệnh hoại tử cơ/đục cơ (Infectiuos meonecrosis virus - IMNV). Theo cơ quan Quốc tế về Dịch bệnh Động vật (năm 1995), WSSV, IHHNV, YHV, IMNV là các vi-rút gây bệnh cực kì nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm, vì các tác nhân này có khả năng lây rất nhanh, có hệ ký chủ rộng (Escobedo Bonilla, 2008), tỉ lệ tôm chết khi bị nhiễm bệnh có thể lên đến 80 - 100% (Chantanachookin và ctv, 1993; Karunasagar và ctv, 1997). Năm 2011, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã ban hành thông tư số 83/2011/TT - BNNPTNT về việc công bố các dịch bệnh nguy hiểm trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng; bao gồm hội chứng Taura và bệnh hoại tử cơ ở tôm chân trắng; bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô gây hại trên cả tôm sú và tôm chân trắng.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, năm 2010, bệnh đốm trắng trên tôm gây thiệt hại 66.972.000 con/275,82 ha (tôm sú: 45.617.000 con/232,77 ha; tôm thẻ chân trắng: 21.355.000 con/43,05 ha), chiếm tỷ lệ 8,3% lượng giống thả nuôi và 12,1% diện tích thả nuôi. Năm 2011, diện tích tôm nuôi tại Tiền Giang bị thiệt hại là 951,04 ha, chiếm tỷ lệ 18,3% diện tích thả nuôi (cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010). Trong 4 tháng đầu năm 2012, tình hình tôm chết tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến hết sức phức tạp. Diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại Cà Mau đã lên đến 555 ha (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng), tại Bạc Liêu là 1.270 ha và tại Sóc Trăng là 1.400 ha (gồm 500 ha tôm thẻ chân trắng và hơn 900 ha tôm sú nghịch vụ) (theo báo cáo tháng 4/2012 của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng).
Khi dịch bệnh bùng phát, người dân thường sử dụng thuốc Doxicyline, Oxy Tetracycline để điều trị nhưng cách làm này không hữu hiệu vì bệnh có thể tái phát mạnh sau 2 tuần đến 1 tháng. Hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu để trị bệnh nên công tác phòng ngừa tổng hợp bao gồm tẩy trùng ao nuôi, ngăn cản sự xâm nhập của các sinh vật mang mầm bệnh vào ao nuôi và sử dụng tôm giống sạch bệnh được khuyến cáo như một biện pháp an toàn sinh học (Escobedo Bonilla, 2008). Do đó cần có phương pháp phát hiện sớm sự hiện diện vi-rút gây bệnh trên đàn tôm giống trước khi thả nuôi và trên ao nuôi tôm công nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
2. Phương pháp phát hiện tác nhân gây hại
PCR (Polymerase Chain Reaction) được biết đến như là một kỹ thuật có độ nhạy và độ chính xác cao được ứng dụng cho việc chẩn đoán tác nhân vi-rút gây bệnh trên tôm. Việc chẩn đoán WSSV bằng kỹ thuật Nested PCR (Lo và ctv, 1996), YHV bằng RT-PCR (Wongteerasupaya và ctv, 1997), và IMNV, IHHNV với việc sử dụng kỹ thuật Nested RT-PCR (Poulos và ctv, 2006; Nunan và ctv, 2000) là những phương pháp chuẩn mà Cơ quan Quốc tế về Dịch bệnh Động vật (OIE) đã công nhận và đang được sử dụng tại các phòng thí nghiệm ở Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Ngoài ra, phương pháp chẩn đoán đồng thời nhiều tác nhân gây bệnh hại bằng Multiplex RT-PCR cũng đã được phát triển và ứng dụng (Paisarn và ctv, 2008; Trần Việt Tiên và ctv, 2008; Trần Việt Tiên và Đặng Thị Hoàng Oanh, 2009). Một kỹ thuật khác, Realtime PCR, có khả năng định lượng số bản sao vi-rút cũng đã được công bố (Kallaya và ctv, 2006; Priyanjalie và ctv, 2010). Dựa trên cơ sở khoa học của các nghiên cứu này, cùng với các thiết bị sinh học phân tử hiện đại như máy PCR Eppendorf, máy PCR ABI 9700, hệ thống Realtime PCR ABI 7500, máy giải trình tự ABI 3100 hiện có…, nhóm nghiên cứu Công nghệ Sinh học Thủy sản - Viện Nghiên Cứu Công nghệ Sinh học và Môi Trường - Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh đã thiết lập thành công các quy trình chẩn đoán với độ nhạy và mức tin cậy cao. Từ các kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn ứng dụng vào công tác chẩn đoán, cảnh báo dịch bệnh và chọn giống sạch bệnh nhằm góp phần phát triển nghề nuôi tôm bền vững.
Kết quả chẩn đoán vi-rút gây bệnh đốm trắng (WSSV) bằng Nested PCR. Giếng 1 đến 3: sản phẩm PCR thực hiện với cặp mồi bên ngoài 146F1 và 146R1, kích thước đích 1447bp; giếng 6 đến 8: sản phẩm PCR thực hiện với cặp mồi bên trong 146F2 và 146R2, kích thước đích 941bp; giếng 4,9: mẫu đối chứng âm; giếng 5: thang DNA.
3. Đối tượng và chi phí phân tích
Đối tượng chẩn đoán | Phương pháp |
Giá tiền (VNĐ) |
Thời gian phân tích |
Virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) | PCR | 1.000.000 | 1 tuần (kể từ ngày nhận mẫu) |
Virus gây bệnh đầu vàng (YHV) | RT - PCR | 1.500.000 | 1 tuần (kể từ ngày nhận mẫu) |
Virus gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) | PCR | 1.000.000 | 1 tuần (kể từ ngày nhận mẫu) |
Virus gây bệnh hoại tử cơ/ đục cơ (IMNV) | RT - PCR | 1.500.000 | 1 tuần (kể từ ngày nhận mẫu) |
Viris gây bệnh gan tụy (HPV) | PCR | 1.000.000 | 1 tuần (kể từ ngày nhận mẫu) |
Virus gây bệnh còi (MBV) | PCR | 1.000.000 | 1 tuần (kể từ ngày nhận mẫu) |
Virus gây hội chứng Taura (TSV) | RT - PCR | 1.500.000 | 1 tuần (kể từ ngày nhận mẫu) |
Ghi chú: Giá trên chưa bao gồm 5%VAT
4. Tài liệu tham khảo
Thông tư 83/2011/TT-BNNPTNT về Danh mục bệnh thủy sản phải công bố dịch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, năm 2011.
Trần Việt Tiên và Đặng Thị Hoàng Oanh. 2009. Phát triển quy trình mPCR phát hiện đồng thời white spot syndrome virus, infectious hypodermal and haematopoietic necrosis virus ở tôm sú (Penaeus monodon) sử dụng gen β-actin làm nội chuẩn. Kỷ yếu Hội Nghị Khoa Học Thủy Sản Toàn Quốc năm 2009, 197 - 201.
Trần Việt Tiên, Trần Thị Mỹ Duyên và Đặng Thị Hoàng Oanh. 2008. Phát triển quy trình mRT-PCR phát hiện GAV (Gill-associated virus) và beta-actin. Tạp chí Khoa học,1, 176-180.
Chantanachookin C., Boonyaratpalin S., Kasoranchandra J., Direkbusarakom S. and Aekpanithanpong U. 1993. Histology and ultrastructure reveal a new granulosis-like virus in Penaeus monodon affected by yellow-head disease. Dis. Aquat. Org., 17, 145–157.
Chu-Fang Lo J, Chiann-Horng Leu, Ching-Hui Hol, Chau-Huei Chenl, Shao-En Pengl, You-Tzung Chenl, Chih-Ming choul, Pei-Yan Yehl, Chang-Jenuang,Hsin-Yiu chou, Chung-Hsiung wang and Guang-Hsiung Kou. 1996. Detection of baculovirus associated with white spot syndrome (WSBV) in penaeid shrimps using polymerase chain reaction. Dis. Aquat. Org., 25, 133-141
Escobedo Bonilla C.M, Alday-Sanz V, Wille M, Sorgeloos P and Pensaert M.B. 2008. A review on the morphology, molecular characterization, morphogenesis and pathogenesis of white spot syndrome virus. Journal of Fish Diseases, 31, 1 - 18.
Kallaya Sritunyalucksana, Jiraporn Srisala, Kenneth McColl, Linda Nielsen and Timothy W. Flegel. 2006. Comparison of PCR testing methods for white spot syndrome virus (WSSV) infections in penaeid shrimp. Aquaculture, 255, 95–104
Karunasagar I and Otta S.K. 1997. Histopathological and bacteriological study of white spot syndorme of Penaeus monodon along the west coat of India. Aquaculture, 153, 9-13.
Kou G.H, Peng S.E, Chiu Y.L and Lo C.F. 1998. Tissue distribution of white spot syndrome virus (WSSV) in shirmp and crabs. In: Advances in Shirmp Biotechnology, pp 267 - 271. National Center for Engineering and Biotechnology, Bangkok.
Nunan L.M., Poulos B.T. and Lightner D.V. 2000. Use of polymerase chain reaction (PCR) for the detection of infectious hypodermal and hematopoietic necrosis virus (IHHNV) in penaeid shrimp. Mar. Biotechnol., 2, 319–328
Paisarn Khawsak, Warin Deesukon, Parin Chaivisuthangkura and Wasana Sukhumsirichart. 2008. Multiplex RT-PCR assay for simultaneous detection of six viruses of penaeid shrimp. Molecular and Cellular Probes, 22, 177–183
Poulos B.T. and Lightner D.V. 2006. Detection of infectious myonecrosis virus (IMNV) of penaeid shrimp by reverse-transcriptase polymerase chain reaction (RT-PCR). Dis. Aquat. Org., 73, 69–72.
Priyanjalie K.M., Wijegoonawardane, Jeff A. Cowley and Peter J. Walker. 2010. A consensus real-time RT-PCR for detection of all genotypic variants of yellow head virus of penaeid shrimp. Journal of Virological Methods, 167, 5–9
Wongteerasupaya C., Boonsaeng V., Panyim S., Tassanakajon A. and Withyachumnarnkul B. 1997. Detection of yellow-head virus (YHV) of Penaeus monodon by RT-PCR amplification. Dis. Aquat. Org.,31, 181–186.
Số lần xem trang: 2590
Điều chỉnh lần cuối: 05-11-2014